Multimedia Đọc Báo in

Giải Nobel Y học 2015: Tôn vinh "cha đẻ" biện pháp chữa trị những căn bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng gây ra

07:13, 10/10/2015
Ngày 5-10, Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) đã chính thức công bố chủ nhân giải Nobel Y học 2015 gồm ba nhà khoa học là William Campbell (Ireland), Satoshi Omura (Nhật Bản) và nữ giáo sư Youyou Tu (Trung Quốc) vì đã có công tìm ra liệu pháp chữa trị những căn bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng gây ra.
Chủ nhân giải Nobel Y học 2015 (từ trái sang): William Campbell, Satoshi Omura và nữ giáo sư Youyou Tu
Chủ nhân giải Nobel Y học 2015 (từ trái sang): William Campbell, Satoshi Omura và nữ giáo sư Youyou Tu

Giải thưởng Nobel Y học năm nay trị giá 960.000 USD sẽ được trao cùng với một huy chương và giấy chứng nhận. Hai nhà khoa học Campbell và Omura sẽ chia một nửa giá trị giải thưởng, số còn lại thuộc về bà Youyou Tu .

Giáo sư Satoshi Omura sinh năm 1935 tại tỉnh Yamanashi (Nhật Bản). Ông được công nhận là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hóa sinh hữu cơ (Bioorganic Chemitry), đặc biệt là thành tích phát hiện, phát triển, tổng hợp sinh học và sao chép các hóa chất hữu ích có nguồn gốc từ các vi sinh vật diễn ra trong môi trường tự nhiên. Trong suốt 40 năm sự nghiệp của mình, GS Omura đã phát minh nhiều phương pháp mới để cô lập, nuôi cấy vi sinh vật và sàng lọc, phát hiện hơn 470 hợp chất, nhiều hợp chất trong số này là được xem là “độc nhất vô nhị”. Một số công trình của ông được coi là tiền thân cho việc tìm ra statin, chất mới chống ung thư và các loại thuốc tiềm năng khác cho động vật lẫn con người. GS Omura còn có công tạo ra kháng sinh lai, mở ra một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ đối với ngành y của nhân loại. Một trong số những hợp chất quan trọng đã được Omura phát hiện là Avermectin và Ivermectin. Với vai trò chủ đạo trong việc phát hiện ra avermectins, năm 2014 Giáo sư Omura đã được trao giải thưởng cao quý có tên Gairdner Global Health Award và năm nay được trao tiếp giải Nobel Y học cùng với hai nhà khoa học khác.

Giáo sư William C. Campbell sinh năm 1930 tại Ramelton, Co Donegal (Ireland), là chuyên gia sinh học ký sinh trùng. Ông hiện là thành viên danh dự Đại học Drew, New Jersey (Mỹ).  Giáo sư Campbell là người có công phân lập chủng mới của nhóm vi khuẩn có tên Streptomyces chuyên sống trong đất và là khuẩn sản sinh một loạt các tác nhân có hoạt tính kháng khuẩn; sau đó phát triển chúng trong phòng thí nghiệm, trước khi chọn được 50 dòng khuẩn thực sự hứa hẹn. Ngoài ra Campbell còn sử dụng Streptomyces của GS. Omura và phát hiện thấy một thành phần có trong Streptomyces có hiệu quả chống lại ký sinh trùng ở vật nuôi trong gia đình và trang trại rất hiệu quả. Nhờ tìm ra loại thuốc này nên đã cứu sống được nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng gây ra.

 Nữ giáo sư Youyou Tu  sinh năm 1930 tại tỉnh Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc), là giáo sư trưởng của Học viện Y học cổ truyền Bắc Kinh Trung Quốc, chuyên gia hàng đầu về y học cổ truyền, hóa dược phẩm. Bà có công tìm ra Artemisinin và Dihydroartemisinin được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, cứu giúp cho hàng triệu người trên thế giới. Việc phát hiện ra artemisinin được coi là một bước đột phá quan trọng của y học nhiệt đới thế kỷ 20, hữu ích cho các quốc gia đang phát triển ở vùng nhiệt đới ở Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Youyou Tu bắt đầu nghiên cứu từ những năm 60 và 70 thế kỷ trước, giai đoạn bệnh sốt rét bùng phát, gây tử vong ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Các nhà khoa học trên thế giới đã tìm được trên 240.000 hợp chất nhưng không hợp chất nào có khả năng kháng sốt rét. Năm 1969, lúc đó mới 39 tuổi, bà Tu đã tìm ra các hợp chất có trong các loại thảo mộc Trung Quốc, phát hiện thấy hơn 2.000 hợp chất và làm 380 phép chiết xuất thảo dược và cuối cùng tìm được một hợp chất có hiệu quả từ cây ngải tây ngọt (Artemisia annua) có thể cắt  “cơn sốt liên tục”, một triệu chứng của bệnh sốt rét. Với những đóng góp to lớn trong nghiên cứu khoa học, nữ giáo sư Youyou Tu đã được trao giải thưởng Lasker trong lĩnh vực y học lâm sàng năm 2011 và giải thưởng Nobel năm 2015 về Y học.

Nguyễn Khắc Nam

(Theo TGC/NPO/BBC - 10/2015)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.