Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh của NASA mang lại lợi ích cho ngành y

08:26, 20/08/2017
Mặc dù "nghề chính" là nghiên cứu không gian, vũ trụ nhưng Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lại phát minh nhiều sản phẩm nổi tiếng có lợi cho ngành y và thực phẩm, như những sản phẩm dưới đây.

Thực phẩm dành cho trẻ em

Theo các chuyên gia NASA, việc nuôi con bằng sữa mẹ là một công việc không mấy đơn giản, không khác gì chuyện ăn uống của các phi hành gia trong không gian. Đó là lý do tại sao NASA lại thuê Công ty Sinh học Martek Biosciences Corporation (MBC) thực hiện hợp đồng cho ra đời các loại dưỡng chất dành riêng cho các nhà du hành vũ trụ.

Khi nghiên cứu về tảo, các chuyên gia ở MBC phát hiện tảo sản sinh 2 axit béo giống như trong sữa mẹ, có tên DHA và ARA. Mặc dù cơ chế các hợp chất này được tạo trong tự nhiên không giống trong cơ thể con người, nhưng về cơ bản đều hữu ích, giúp trẻ phát triển tốt thể lực lẫn tinh thần. Nhờ nghiên cứu nói trên, một loại sữa dành cho trẻ em có tên Formulaid ra đời, không chỉ tốt cho nhóm trẻ sơ sinh mà còn tốt cho các các phi hành gia hoạt động lâu dài trong môi trường phi trọng lực.

Chân tay nhân tạo

Ít ai biết rằng chính nhờ NASA, con người ngày nay có được các sản phẩm chân tay nhân tạo với độ bền cực lớn, giá cả hợp lý. Trong thế kỷ XX, phần lớn chân tay nhân tạo được chế tạo bằng cách sử dụng khuôn thạch cao và khuôn tinh bột ngô. Quá trình này tạo ra những sản phẩm, đặc biệt là các cánh tay, có trọng lượng nặng nhưng lại dễ vỡ, khiến việc cử động, thao tác của con người gặp khó khăn. Để khắc phục nhược điểm nói trên, Trung tâm Chỉnh hình và chân tay giả Harshberger đã đề nghị Trung tâm Không gian Marshall (MSFC) thuộc NASA phối hợp giúp đỡ. Nhóm các chuyên gia ở MSFC đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu, tạo ra sản phẩm chân tay giả siêu nhẹ siêu bền thông qua sáng kiến bổ sung thêm vật liệu bảo ôn và một ngăn nhỏ vừa giảm trọng lượng lại làm tăng độ bền, giúp người dùng có thể cầm nắm đồ vật được dễ dàng hơn. Sự hợp tác giữa Harshberger và MSFC đã cho ra đời ngành công nghiệp chân tay giả đầy triển vọng, tạo ra cuộc sống tốt hơn cho nhóm người thiểu năng, tàn tật và cho các thương binh từ chiến trường trở về.

Cấy ghép ốc tai điện tử

Cấy ghép ốc tai điện tử thực chất là dùng một thiết bị điện tử có điện cực cắm vào ốc tai để thay cho các tế bào thần kinh thính giác bị hư tổn, tạo ra các xung thần kinh truyền lên não, giúp người bệnh nghe được. Đây là một hệ thống điện tử phức tạp, có nhiệm vụ kích thích dây thần kinh thính giác, phục hồi chức năng nghe cho những bệnh nhân bị điếc nặng. Nó được ra đời từ những năm 1970, và áp dụng rộng rãi trên quy mô toàn cầu từ những năm 1990. Các thiết bị này lại có nguồn gốc từ NASA.

Adam Kissiah là nhà phát minh ốc tai điện tử (cochlear implant) và cũng là người phát minh ra nhiều thiết bị y tế dùng cho nhóm người khiếm thính và điếc nặng. Các thiết bị này đều được ra đời khi Adam Kissiah làm việc trên cương vị kỹ sư thiết bị điện tử ở NASA. Ông đã sử dụng kiến thức kỹ thuật để giải quyết các vấn đề về y khoa. Theo Adam Kissiah, hạn chế lớn nhất của máy trợ thính là chỉ dùng cho người điếc nhẹ bằng cách tăng chỉnh âm lượng, không phù hợp với nhóm người điếc đặc. Vì vậy, ông đã chế tạo ra thiết bị có thể vượt qua các thụ thể âm thanh bị lỗi trong tai để truyền gửi thông tin thẳng lên não nhờ một micro nhỏ, thu âm và chuyển chúng sang dạng xung điện. Ốc tai điện tử có nhiều loại như đơn kênh hoặc đa kênh, ốc tai ngoài hoặc ốc tai trong tuỳ thuộc vào vị trí đặt, rất phù hợp với nhóm người bị điếc nặng. Nhờ phát minh thành công ốc tai, Adam Kissiah đã được ghi danh trong toà nhà danh tiếng Công nghệ Vũ trụ Mỹ (Hall of Fame) năm 2003 về những sáng tạo không mệt mỏi liên quan đến y khoa và vũ trụ.

Niềng răng vô hình

Để đưa được một tên lửa vào không gian, tiêu chí đầu tiên là phải chọn được vật liệu thích hợp. Để làm được điều này, giới chuyên môn của NASA đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu nhẹ và bền, phù hợp với môi trường không gian. Một trong những loại vật liệu nói trên là nhôm trong suốt TPA (Transparent polycrystalline alumina) được phát triển bởi một công ty liên kết của NASA với sự trợ giúp của kỹ thuật hồng ngoại. Năm 1986, công ty nói trên đã ứng dụng vật liệu này cho lĩnh vực chăm sóc nha khoa bằng cách chế tạo niềng răng vô hình từ TPA. TPA có đặc tính cứng hơn sắt, trong suốt, mịn và tròn, đồng thời có khả năng chống nứt vỡ rất cao, phù hợp cho nhóm người vừa muốn niềng răng mà vẫn giữ vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt khả năng niềng răng tốt hơn so với sản phẩm truyền thống mà không để lại "tác dụng phụ" ngoài mong muốn.

Nguyễn Duy Hùng 

(Dịch từ Listverse.com- 7/2017)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.