Multimedia Đọc Báo in

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo: Vừa là cơ hội vừa là thách thức

11:32, 12/10/2018

Đặc trưng cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình và phương thức sản xuất - kinh doanh. Trong đó, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây... là những công nghệ đang và sẽ tác động mạnh vào đời sống của con người.

Dự kiến, đến năm 2030, trên thế giới sẽ có 90% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 80% hình ảnh người dân hiện diện số trên Internet, 30% công việc kiểm toán trong các doanh nghiêp trên thế giới được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo, 10% xe ô tô ở Mỹ chạy trên đường không cần người lái, những dược sĩ robot đầu tiên xuất hiện và việc ghép tạng trên người bằng công nghệ 3D được triển khai phổ biến... Sự lựa chọn các phương án sản xuất - kinh doanh, việc sử dụng các nguồn lực được tối ưu hóa… sẽ thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả. Từ đó, tốc độ phát triển và hệ thống sản xuất và hoạt động quản trị xã hội có bước đột phá cả bề rộng lẫn chiều sâu. CMCN 4.0 tác động to lớn đến kinh tế - xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ: toàn cầu, khu vực và từng quốc gia, thật sự là cơ hội lớn để phát triển nhanh đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trên thế giới.

Trí tuệ nhân tạo được đánh giá là một trong những công nghệ “đầu tàu” của cuộc CMCN 4.0 khi nó hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội. Việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo đang là bước đột phá để Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu”, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội vàng mà cuộc CMCN 4.0 đem lại.

Robot Sophia tham gia buổi họp báo trong chuyến đến Việt Nam tháng 7-2018.
Robot Sophia tham gia buổi họp báo trong chuyến đến Việt Nam tháng 7-2018.

Trí tuệ (intelligence) là khả năng nhận thức, truy xét bằng trí óc. Nhân tạo (artificial) nghĩa là do con người mô phỏng cái có trong tự nhiên làm ra. Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence hay machine intelligence) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Có thể định nghĩa như là một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi.

Sophia - robot đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân, khi đến Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao về CMCN 4.0 đã tự giới thiệu: “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo.Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững và những robot như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”. Sophia đã khẳng định bản thân mình là đại diện cho kỷ nguyên 4.0 và sự xuất hiện của robot này là một minh chứng cho thấy trí tuệ nhân tạo đang là xu thế tất yếu.Thế giới hiện nay đang có những bước phát triển nhanh về trí tuệ nhân tạo, giúp cuộc sống trở nên tiện lợi hơn nhiều.Trong vài năm tới, trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng sâu toàn bộ xã hội và sinh hoạt của con người, làm cho thế giới biến đổi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang là làn sóng mới, hứa hẹn thay đổi hoàn toàn nền kinh tế của một quốc gia và mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vẫn là dữ liệu, sau đó sử dụng các thuật toán hiện đại để tìm ra một giải pháp thông minh cho vấn đề. Ở Việt Nam, dữ liệu vẫn chưa thu thập được nhiều để có thể sử dụng ngay và tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác, ứng dụng được các dữ liệu là một thực tế rất đáng quan tâm. Đối với nước ta, trí tuệ nhân tạo có thể vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn.

Để nắm bắt, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam phải đáp ứng cho được ba yếu tố cơ bản: dữ liệu (Thiết bị được “dạy” càng nhiều dữ liệu sẽ giúp ứng dụng thông minh hơn) ; phải có hệ thống tính toán, xử lý dữ liệu tốt; nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với năng lực, tiềm lực của mình, Việt Nam nên tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh nhất. Hết sức tránh đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực sẽ dẫn tới tụt hậu so với thế giới. Một số doanh nghiệp công nghệ ở nước ta đã thành lập Phòng thí nghiệm về trí tuệ nhân tạo nhưng đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao cần thiết. Nhà nước cần đầu tư thích đáng để đào tạo nhân lực chất lượng cao có định hướng, tạo dựng môi trường nghiên cứu về trí tuệ  nhân tạo ở mức độ tương đương trên thế giới.

Việt Nam có dân số 95 triệu người, giao dịch, ứng dụng nhiều sẽ cho nguồn dữ liệu lớn, nhưng hiện nay đang bị phân tán ở nhiều nơi và không có tiêu chuẩn chung. Đây là vốn quý để phát triển công nghệ về trí tuệ nhân tạo .

Cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, phạm vi tác động ngày càng lớn. CMCN 4.0 mang lại những cơ hội vàng, nhưng đặt ra không ít thách thức, nhất là sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn nhân lực và thị trường lao động. Lao động thủ công trong nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ bị thay thế bởi hệ thống máy móc tự động hóa; lao động có chất lượng cao được đào tạo có định hướng ngày càng nhiều dẫn dến tình trạng người lao động trình độ thấp sẽ bị đào thải... Trong khi đó, Việt Nam chưa đạt đến trình độ 3.0, tức là số hóa, có nghĩa là chưa đạt đến khả năng kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin.

Việt Nam cần chủ động nắm bắt, không bỏ lỡ “chuyến tàu toàn cầu” này nếu không muốn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Cần có một chiến lược mang tầm quốc gia được xác định với những đột phá và lộ trình cụ thể, căn cơ, chớp được những cơ hội vàng và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn của “cuộc chơi”này. Muốn xây dựng được chiến lược này, cần tập hợp đội ngũ chuyên gia hùng hậu trong cả nước và ngoài nước để đánh giá rõ xu thế phát triển mới của cuộc CMCN 4.0, thực trạng trong nước hiện nay và những kinh nghiệm của các nước đi trước, từ đó, xây dựng một kịch bản tổng thể cho định hướng phát triển của cả đất nước trong tương lai.

Thời gian qua, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm tạo bước đột phá trong việc tiếp cận, bắt kịp CMCN 4.0 thông qua việc làm chủ công nghệ, các nghiên cứu, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Quyết tâm đó của Chính phủ đã được thể hiện từ việc ban hành chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 cho tới việc thực hiện đề án Hệ trí thức Việt số hóa nhằm tổng hợp các dữ liệu khác nhau. Gần đây, Chính phủ đã mời 100 chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài có tài năng về hiến kế, giúp Việt Nam bắt kịp CMCN 4.0. Hiện nay, Chính phủ đã chọn ba ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tập trung đầu tư là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin. Ba ngành này được xác định là mũi nhọn đột phá, trở thành đầu tàu kéo theo các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.