Multimedia Đọc Báo in

Những công nghệ hiện đại khiến cuộc sống con người dễ chịu hơn

17:18, 25/11/2018

Cỗ máy gom nước từ khí trời

Một nhóm chuyên gia ở liên minh công nghệ Skysource/Skywater Alliance (Mỹ) vừa được trao giải Water Abundance XPRIZE trị giá 1,5 triệu USD do tổ chức phi lợi nhuận XPRIZE Water Abundance trao tặng bởi tạo ra cỗ máy có thể sản xuất hàng trăm lít nước uống sạch mỗi ngày từ không khí. Hệ thống có tên Skywater là máy tạo nước từ khí quyển thông qua cơ chế ngưng tụ hơi nước từ không khí và tinh lọc thành nước uống. Hệ thống thân thiện với môi trường vì dùng năng lượng mặt trời hoặc nhiên liệu sinh học. Nước thành phẩm có độ thuần khiết cao, cung cấp cho các hộ gia đình sử dụng trong sinh hoạt, tưới tiêu và cả cho mục đích cứu hỏa. Theo các nhà nghiên cứu, bầu khí quyển là nơi chứa đựng rất nhiều hơi nước, ước khoảng 37,5 triệu tỷ gallon (1 gallon = 4,5 lít), là nguồn nước ngọt lớn hơn tất cả các con sông trên trái đất cộng lại.

Máy gom nước Skywater từ khí trời.
Máy gom nước Skywater từ khí trời.

Ứng dụng giúp đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu ung thư

Ứng dụng có tên DreamLab có khả năng biến smartphone (điện thoại thông minh) thành siêu máy tính phát hiện ung thư. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Quỹ Vodafone Foundation (Anh) và Viện nghiên cứu Y học Garvan (Úc). Theo đó, khi smartphone được sạc đầy điện, ứng dụng DreamLab sẽ tự động tải một phần hồ sơ chuỗi gen mà Viện Nghiên cứu Garvan lưu trữ tại dịch vụ đám mây Amazon Web Service. Sau đó, thông tin được xử lý và kết quả sẽ được gửi trả lại cho các nhà nghiên cứu Garvan để họ sử dụng như một phần của dự án nghiên cứu. Với ứng dụng miễn phí này, các chuyên gia ở dự án Project Genetic Profile và Project Demystify có thể nghiên cứu ung thư dễ dàng, nhanh chóng, nhất là ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt và tuyến tụy. DreamLab tự động tải về và giải quyết các vấn đề nghiên cứu trong khi người dùng đang ngủ, tốc độ xử lý dữ liệu nhanh gấp 3.000 lần so với hiện tại. Ung thư là một dạng bệnh của ADN, vì vậy để hiểu nó tốt hơn, khoa học phải nghiên cứu, phân tích dữ liệu từ trình tự, hoặc “giải mã” ADN của người bệnh. Với việc ra đời DreamLab, hy vọng các dự án nghiên cứu ung thư sẽ nhanh hơn, chính xác hơn, giúp con người nhanh chóng thanh toán căn bệnh nan y nguy hiểm này.

Trí tuệ nhân tạo sáng tác hội họa

Bức họa có tên “Edmond de Belamy” (Chân dung Edmond Belamy) do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vẽ vừa được Christie đấu giá hôm 25-10-2018 với số tiền lên tới 432.000 USD, cao gấp hàng chục lần so với mức giá ban đầu. Chân dung được vẽ bằng mực in, vải đóng khuôn và thuật toán AI kèm chữ ký là một phương trình toán học ở phía dưới. Theo đại diện hãng sưu tập nghệ thuật Obivous (Pháp), đây là tác phẩm nghệ thuật chứng minh AI có thể làm nhiều hơn so với những gì đã được công bố như lái xe tự hành hay phẫu thuật. “Edmond de Belamy” được tạo bởi một thuật toán đặc biệt nhờ dữ liệu thu được từ 15.000 bức chân dung khác nhau ra đời từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20.

Phôi tổng hợp

Các nhà khoa học Hà Lan vừa tạo ra một bước đột phá mang tính cách mạng trong khoa học phôi: tạo ra phôi chuột tổng hợp mà không cần tinh trùng hoặc trứng, qua đó phát hiện nguyên nhân tại sao lại có những phôi không thể phát triển bình thường, dẫn đến sảy thai sớm. Sảy thai là tình trạng trứng đã được thụ tinh nhưng không thể “cắm rễ ” vào thành tử cung được khiến thai bị mất. Phôi tổng hợp thực chất là các tế bào cấu trúc giống phôi tổng hợp từ 2 loại tế bào gốc của chuột. Nếu nhìn dưới kính hiển vi, các tế bào này có cấu trúc y như phôi thai ở giai đoạn đầu khi mới phát triển. Đây là lần đầu tiên khoa học đã có thể làm sáng tỏ cơ chế phân tử của việc phôi cấy ghép, giúp chúng ta hiểu thêm về một số khía cạnh của tình trạng vô sinh và cải thiện hiệu quả cho quá trình hỗ trợ sinh sản.

Cấy ghép chip đa năng

Người dân Thụy Điển hiện đang đua nhau đi cấy ghép một con chíp nhỏ xíu dưới da nhằm thay thế thẻ căn cước, chìa khóa nhà, vé tàu... Đây là chip đa năng do hãng Biohax International (BI) phát triển, chi phí tốn khoảng 180 USD. Hiện đã có hơn 4.000 người Thụy Điển ứng dụng công nghệ này. Chíp đa năng siêu nhỏ, kích thước chỉ tương đương hạt gạo, được cấy dưới da, có thể thay thế thẻ căn cước, chìa khóa, vé tàu xe… chỉ bằng một thao tác quẹt tay có gắn con chíp qua các thiết bị kiểm soát. Việc cấy ghép giống như bấm khuyên tai, chỉ hơi nhói một chút kiểu như tiêm. Những vi mạch này sẽ cải thiện cuộc sống hằng ngày của người dùng bằng cách lên mạng nhanh khi truy cập vào  mạng xã hội và các ứng dụng tương tự khác, kể cả mua vé điện tử khi tham gia giao thông công cộng.

Khắc Duy

(Dịch từ Listverse -11/2018)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.