Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh công nghệ mới hữu ích trong cuộc sống hiện đại

08:41, 26/04/2019

Thiết bị chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Parkinson (PD) là rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân do suy giảm sản xuất dopamine trong tế bào thần kinh não. Đây là căn bệnh mãn tính chưa có nhiều giải pháp chẩn đoán lẫn chữa trị.

Để giúp người bệnh có cuộc sống tốt hơn, nhóm chuyên gia ở Viện Bionics (BI), Australia vừa phát triển thành công một thiết bị chẩn đoán sớm Parkinson có tên BIRD (Bionics Institute Rigidity Device hay Thiết bị đo độ cứng) gắn vào ngón giữa của bệnh nhân nhờ dây đai Velcro. Khi đã vào vị trí, một động cơ nhỏ trong BIRD sẽ uốn cong ngón giữa trong ba mươi giây, theo dõi lực cần thiết để uốn cong ngón tay thông qua một cảm biến gắn trên thiết bị.

Dữ liệu đó sẽ được dùng để xác định độ cứng cơ, là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh Parkinson. Qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, BIRD có thể phân biệt tốt giữa bệnh nhân Parkinson và người khỏe mạnh. Tương lai, thiết bị này sẽ được dùng cho bác sĩ, và sau nữa là cho chính các bệnh nhân.

Nhựa phân hủy sinh học dùng làm bao gói

Để khắc phục nạn ô nhiễm trắng (ô nhiễm nhựa) và tìm ra vật liệu làm bao gói mới, nhóm nghiên cứu ở Đại học Ohio Mỹ (UoO) vừa sáng chế ra loại nhựa phân hủy sinh học mới. Thực chất đây là vật liệu hỗn hợp trộn giữa cao su sinh học với cao su tự nhiên, có khả năng phân hủy nhanh sau khi thải bỏ. Loại nhựa phân hủy sinh học được tạo bởi quá trình lên men thân thiện môi trường mà chi phí lại rẻ hơn so với nhựa hiện có. Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học mới của UoO có độ bền hơn 75% và độ linh hoạt hơn 100% so với các loại nhựa truyền thống và có thể phân hủy nhanh sau khi sử dụng.

Đồng hồ đeo tay phát hiện nhanh dấu hiệu đột quỵ

Đại học Công nghệ Kaunas, Litva (LKUT) phối hợp với Đại học Vilnius và Đại học Lund (Thụy Điển) vừa nghiên cứu, cho ra đời một thiết bị đeo tay dạng đồng hồ có thể phát hiện nhanh dấu hiệu đột quỵ, đặc biệt là các giai đoạn sớm của hiện tượng rung nhĩ, giúp ngăn ngừa bệnh đột quỵ và các biến chứng sức khỏe khác. Đây là thiết bị thông minh mang trên người, đeo tay giống như đồng hồ, được trang bị cả cảm biến PPG và ECG. PPG cảm nhận được sự thay đổi về thể tích máu trong mô, có thể báo hiệu sự bắt đầu của rung nhĩ. Nếu phát hiện thay đổi như vậy, thiết bị sẽ rung để báo cho người đeo và nhắc họ chạm vào thiết bị bằng tay kia để đăng ký đọc tham chiếu tín hiệu ECG. Hai phép đọc đồng thời trong cùng một lúc sẽ được phân tích bằng các thuật toán để xác định được cơn rung nhĩ sắp xảy ra, giúp người dùng sớm liên hệ với bác sĩ để can thiệp kịp thời.

Ra đời siêu ắc quy lithium-ion cho xe chạy điện

Hãng Innolith (Thụy Sĩ) vừa tuyên bố phát triển thành công một loại ắc quy lithium-ion mật độ cao đầu tiên trên thế giới, cao gấp 4 lần ắc quy Tesla Model 3 với 217 tế bào năng lượng. Mật độ năng lượng ắc quy  của Innolith là 1.000 Wh/kg so với 250 Wh/kg của các ắc quy xe điện hiện có, thậm chí còn cao gấp đôi ắc quy 500 Wh/kg mà Bộ Năng lượng Mỹ hiện đang tài trợ phát triển. Nếu sạc đầy, ắc quy nói trên có thể đi được 1.000 km, so với mức 500 - 530 km mà các xe điện hiện đạt được như ắc quy của Tesla, do hãng Panasonic sản xuất. Innolith sẽ sản xuất lô ắc quy thử nghiệm đầu tiên tại Đức trong vòng 3 - 5 năm nữa và sẽ tung ra thi trường trước năm 2022. Innolith cũng tiết lộ sẽ cho ra đời một loại pin cho điện thoại thông minh, có thể dùng tới 100 năm.

Robot thu hoạch táo

Hãng Abudant Robotics (New Zealand) vừa cho ra đời một loại robot hái táo mới dùng công nghệ LIDAR. Công nghệ này dựa vào camera để xác định táo chín với khả năng thu hoạch nhanh và nhẹ nhàng nên không làm táo trầy xước. Thực chất của công nghệ LIDAR là phân tích ánh sáng để xác định khoảng cách thực, nhờ camera và những thuật toán được trang bị, robot có thể phân biệt được táo chín để tiếp cận và hái nhanh. Khi phát hiện táo chín, robot sẽ sử dụng cánh tay dạng ống hút để hái và giữ cố định trong cấu trúc rỗng này. Táo được vận chuyển bằng băng tải, cho vào thùng. Robot có thể di chuyển giữa  các luống táo với thời gian 24 giờ/ngày, tự động thu hoạch khi phát hiện táo chín.

Vezo - gạt nước thông minh có thể cảnh báo tài xế buồn ngủ.
Vezo - gạt nước thông minh có thể cảnh báo tài xế buồn ngủ.

Gạt nước thông minh cảnh báo tài xế buồn ngủ

Gạt nước có tên Vezo 360 của hãng ArVision (Hàn Quốc) vừa làm chức năng gạt nước lại có thể phát hiện sớm các dấu hiệu buồn ngủ của lái xe. Vezo 360 gắn vào kính chắn gió phía trước, nơi nó có thể ghi lại cảnh xe cộ xung quanh trong video 4K. Camera được trang bị 4G và wifi, cho phép chủ xe xem trực tiếp các thông tin nhờ ứng dụng Vezo, ứng dụng này còn được sử dụng để xác định vị trí xe bằng tín hiệu GPS Vezo. Tính năng nổi bật của Vezo 360 là có máy học AI (trí tuệ nhân tạo), có thể phát hiện các dấu hiệu buồn ngủ của tài xế trong trình điều khiển và phát ra âm thanh cảnh báo.

Nguyễn Duy

 (Dịch từ NA/GMC/IDC/TVC/WC/PC- 4/2019)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.