Multimedia Đọc Báo in

Bước tiến trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết

07:35, 30/06/2019

Theo trang tin Fda.gov, ngày 1-5 vừa qua, FDA đã chính thức phê duyệt Dengvaxia để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue. Hiện tại, sốt xuất huyết Dengue chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị nên việc phê duyệt Dengvaxia được xem là cần thiết và là một bước tiến mới.

Dengvaxia là sản phẩm của hãng dược phẩm Pháp Sanofi Pasteur bào chế, có chứa các virút sốt vàng (suy yếu) đã bị kiểm soát để chúng chứa các protein từ virút sốt xuất huyết. Vắc xin này được tiêm ba mũi riêng biệt với liều ban đầu, sau đó là hai mũi tiêm bổ sung trong 6 và 12 tháng tiếp theo. Sự an toàn và hiệu quả của Dengvaxia đã được xác định trong ba nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược ở 35.000 người hiện đang ở vùng có dịch gồm Puerto Rico, Mỹ Latinh và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dengvaxia được xác định là có hiệu quả khoảng 76% trong việc ngăn ngừa triệu chứng sốt xuất huyết Dengue ở nhóm người từ 9 - 16 tuổi. Trước đó, Dengvaxia đã được phê duyệt dùng ở 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Các tác dụng phụ thường gặp của Dengvaxia là đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, đau tại chỗ tiêm và sốt nhẹ. Tần suất của các tác dụng phụ là tương tự trên người dùng Dengvaxia và giả dược, có xu hướng giảm sau mỗi liều chủng ngừa vắcxin tiếp theo.

Vắc xin Dengvaxia phòng bệnh sốt xuất huyết.
Vắc xin Dengvaxia phòng bệnh sốt xuất huyết.

Cùng với việc nghiên cứu các loại vắcxin để phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue, cộng đồng khoa học thế giới còn chung tay nghiên cứu các phương pháp mới để ngăn chặn bệnh. Theo Sciencedaily, một trong những giải pháp hiện đang được tiến hành là dùng muỗi biến đổi gien ngăn chặn sốt xuất huyết Dengue. Năm 2012, tại Brazil người ta đã thả quần thể muỗi biến đổi gien gần 4 triệu con vào môi trường nhằm hạn chế sự sinh sôi của muỗi Aedes aegypti – thủ phạm gây bệnh sốt xuất huyết. Khi được thả vào các ổ dịch sốt xuất huyết, các con muỗi đực biến đổi gien sẽ giao phối với muỗi Aedes aegypti cái, tạo ra những hậu duệ không mang virút gây bệnh sốt xuất huyết.

Công ty Oxitec của Anh cũng đang thực hiện thử nghiệm tương tự: dùng muỗi chuyển gien để giao phối với muỗi cái, kết quả hậu duệ của chúng sẽ mang "lỗ hổng" di truyền và bị chết. Cụ thể, ấu trùng muỗi Aedes Aegypti được biến đổi gien OX513A nhiễm khuẩn Wolbachia, khuẩn này làm thay đổi khả năng sinh sản của vật chủ. Bằng cách loại bỏ vật truyền bệnh hay véc tơ, bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ được chế ngự. Qua 5 cuộc thử nghiệm được tiến hành từ năm 2011 đến 2014 tại Panama và Quần đảo Caymancho cho thấy, số lượng muỗi Aedes aegypti đã giảm tới 90%.

Nguyễn Duy

(Dịch từ FDA/Sciencedaily- 5/2019)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.