Multimedia Đọc Báo in

Hiện tượng "Cyclops" trong thế giới động vật

08:17, 15/06/2019

“Cyclops” là hiện tượng được nhắc đến trong thần thoại Hy Lạp, La Mã, chỉ thành viên của một chủng tộc người khổng lồ nguyên thủy với đặc điểm chỉ có một con mắt ở giữa trán. Ngày nay, “Cyclops” để chỉ hiện tượng động vật bị đột biến gen sinh ra với một mắt duy nhất. Theo khoa học, sự dị dạng này là do sự hình thành thất bại của não trước và khoang mũi; song nguyên nhân sâu xa của biến dị này còn do ô nhiễm môi trường khiến khí hậu thay đổi bất thường, tác động trực tiếp đến hệ gen con người cũng như loài vật.

Dê một mắt ở Ấn Độ

Đó là con dê của anh nông dân Mukhuri Das ở Assam, Ấn Độ. Theo tờ National Geographic (Mỹ), con dê một mắt này ra đời ngày 10-5-2017. Sở dĩ nó có một mắt là do khi đang phát triển, não không thể tách thành hai bán cầu khiến chỉ có một hốc mắt hình thành, tạo ra một con mắt khổng lồ, quái đản ở giữa đầu. Cyclopia thường được gây ra khi có quá nhiều độc tố có trong bụng mẹ, nhưng cũng có thể xảy ra nếu xuất hiện tình trạng đột biến gen lạ. Do mắc phải các dị tật khác nữa nên lỗ mũi của con dê cũng bị biến dạng và nó đã chết yểu sau khi ra đời.

Cá mập xám một mắt

Vào năm 2011, một ngư dân ở vùng Vịnh California khi đang đánh cá đã bắt được một con cá mập xám mang thai. Khi mổ bụng cá, người ta phát hiện thấy một phôi cá mập “Cyclops” dài khoảng 56 cm và chỉ có một con duy nhất trong số 9 con đang mang thai có một mắt. Con cá này sau đó được gửi đến Trung tâm Khoa học Hàng hải ở La Paz, Mexico để chụp X-quang và xác nhận đây là một bào thai cá mập thực sự. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp “Cyclops” duy nhất có trong loài cá, trước đó người ta đã phát hiện thấy những phôi thai tương tự, rất có thể do môi trường ô nhiễm phát sinh tình trạng đột biến nên chúng chỉ có một mắt duy nhất.

Mèo một mắt

Vào năm 2006, một chú mèo con đáng yêu, được đặt tên là Cy đã được sinh ra ở Oregon (Mỹ) nhưng chỉ có một mắt. Cy mắc chứng holoprosen-cephaly, thuật ngữ lâm sàng nói về tình trạng bẩm sinh hiếm gặp có thể gây ra bệnh viễn thị. Cy có một mắt và không có mũi, chỉ sống sót được một ngày sau khi “chào đời” do bị nhiễm virus vàng. Cy có một “cuộc sống thứ hai” sau khi chết: được trưng bày tại Bảo tàng sáng tạo ở New York. Theo chủ sở hữu bảo tàng, mục đích trưng bày là thúc đẩy cuộc tranh luận về tôn giáo và khoa học, đặc biệt là nhắc nhở loài người về mối nguy cơ từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tác động tới cuộc sống con người và muôn loài.

Những con cừu “Cyclops” ở Idaho

Đàn cừu
Đàn cừu "Cyclops" ở Texas (Mỹ).

Một trường hợp thú vị khác về động vật “Cyclops”, đó là vào năm 1957, tại Idaho (Mỹ) đã có hẳn một đàn cừu một mắt ra đời. Nhân sự kiện này, 11 năm sau Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã vào cuộc nghiên cứu. Trong số những người tham gia dự án, có một nhà nghiên cứu tên là Lynn James đã dành ba mùa hè trên cánh đồng cùng với những con cừu một mắt để xem những gì đã xảy ra và phát hiện thấy những con cừu một mắt này làm việc rất hiệu quả cho chính bản thân chúng. Những hoa ngô mà những con cừu này ăn trong thời gian hạn hán có chứa một chất độc là cyclopamine, thủ phạm gây dị tật bẩm sinh cho những con cừu này, nhưng chất độc này lại không làm tổn thương cừu mẹ. Tuy vậy, cyclopa-mine không tệ lắm, ngày nay khoa học hiện đại phát hiện thấy nó  có tác dụng điều trị khối u ác tính ở con người.

Dê “Cyclops” ở Texas

Không chỉ ở Ấn Độ, ở Texas (Mỹ) cũng có dê một mắt. Năm 2012, một con dê “Cyclops” đã ra đời tại St. Lawrence, Texas. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do con dê bị mất cân bằng hormone (nội tiết tố) và chỉ sống được khoảng hai tuần. Theo chủ sở hữu Delmer Batla, ngoài vấn đề về mắt, con dê này còn có cái miệng bị biến dạng và không thể ăn uống đúng cách. Sau khi qua đời, nó còn được lên trang bìa của tạp chí chuyện lạ Mỹ Ripleys, ấn phẩm này đã bán chạy như tôm tươi.

Hiện tượng “Cyclops” ở người

Ngoài động vật có vú và cá mập, hiện tượng “Cyclops” còn ảnh hưởng đến con người, đó là những đứa trẻ sơ sinh “Cyclops” với tỷ lệ mắc bệnh 1/13.000 ca sinh. Thật không may, những người bị “Cyclops” thường không sống lâu vì tim bị dị tật trầm trọng. Hiện tượng “Cyclops” thường xuất hiện ở các nước nghèo đang phát triển, nơi độc tố gây ảnh hưởng lớn đến phụ nữ giai đoạn trước và trong khi mang thai. Gần đây, có không ít trường hợp “Cyclops” được dư luận quan tâm, như trường hợp em bé mắc chứng “Cyclops” sinh ra ở Nigeria năm 2006 và đã chết sau một ngày chào đời hoặc trường hợp ở Ai Cập sinh năm 2015 còn mắc thêm chứng viễn thị do ảnh hưởng từ phóng xạ và chết yểu sau vài ngày được sinh ra.

 Duy Nguyễn

 (Dịch từ Grunge/Ripley- 5/2019)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.