Multimedia Đọc Báo in

Sentinel - bộ tộc từ chối tiếp xúc với nền văn minh hiện đại

15:13, 25/06/2019
Sentinel là một bộ tộc có từ thời kỳ đồ đá, họ giết bất cứ ai nếu cố tình thâm nhập và phá vỡ cuộc sống yên bình của họ trong nhiều thiên niên kỷ qua.

Bộ tộc Sentinel sống ở đảo North Sentinel thuộc Quần đảo An-daman và Nicobar, nằm trong vịnh Bengal. Đảo North Sentinel có diện tích khoảng gần 60 km2, được bao quanh bởi các rạn san hô. Cây cối bao phủ hầu như toàn bộ đảo, trừ bờ biển hẹp bao quanh đảo. Đảo có địa hình cao dần từ bờ biển vào trong, đạt độ cao 122 m ở giữa tâm đảo.

Năm 1771, tàu Diligent của Công ty Đông Ấn Anh do thuyền trưởng John Ritchie chỉ huy đã phát hiện ra hòn đảo này song tàu không ghé vào được bởi những rạn san hô bao quanh. Khi về London, John Ritchie báo cáo vị trí của hòn đảo ấy với Hải quân Hoàng gia nhằm bổ sung vào bản đồ nhưng do nó quá nhỏ nên chẳng ai để ý.

Tuy vậy, John Ritchie vẫn gọi nó là Senti-nel, nghĩa là lính gác, từ đây Sentinel trở thành tên gọi chính thức cho đảo. Về danh nghĩa, đảo thuộc huyện South Andaman, một phần lãnh thổ liên bang Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Còn thực tế, các nhà chức trách Ấn Độ lại chấp thuận nguyện vọng trao quyền tự quyết cho người dân trên đảo. Từ quyết định này, dân đảo là người bộ tộc Sentinel còn được cho phép giết những người không phải thuộc bộ tộc mà không bị xét xử.

Nữ tiến sĩ Madhumala Chattopadhyay, người đã bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu các bộ tộc sống tại quần đảo Andaman.
Nữ tiến sĩ Madhumala Chattopadhyay, người đã bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu các bộ tộc sống tại quần đảo Andaman.

Người Sentinel là những hậu duệ trực tiếp còn lại duy nhất của những người đầu tiên ở châu Á, di cư từ châu Phi tới Trung Đông sau đó tới Ấn Độ và Myanmar cách đây hơn 75.000 năm về trước. Thổ dân ở đảo North Sentinel sống biệt lập với thế giới văn minh hơn 60.000 năm, họ xua đuổi bất cứ người lạ nào muốn tiếp cận với mình. Người dân ở đây sống bằng nguồn thực phẩm có sẵn như lợn rừng, trai biển, trái cây, mật ong... với lối sống sinh hoạt kiểu cộng đồng. Đàn ông trong bộ tộc Sentinel làm nghề săn rùa, lợn và các loại thú rừng khác bằng cung tên, đánh bắt cá bằng xiên. Còn phụ nữ làm nghề hái nấm cục, dừa, mò trai và dùng lưới bắt cá.

Mùa hè, họ đi thu lượm mật ong bằng cách quết lên người một loại hồ nước từ lá có tác dụng xua đuổi ong. Cộng đồng người Sentinel có thói quen ở trần, chỉ trang trí bằng một ít lá cây, dây sợi và sống trong các lều dạng nhóm nhỏ như gia đình. Đó là những điều ít ỏi mà thế giới hiện đại biết về người Sentinel, còn rất nhiều thứ như ngôn ngữ, văn hóa, niềm tin tôn giáo, và cả lý do vì sao người Senti-nel lại không muốn tiếp cận với văn minh vẫn chưa được khám phá. Năm 2011, từ một khoảng cách an toàn, các nhà khoa học đã đếm được 15 người trên đảo. Một cuộc khảo sát 10 năm trước ước tính số người trên đảo vào khoảng 39 người.

Một trong số những người quan tâm nghiên cứu về bộ tộc này có nữ tiến sĩ Madhumala Chattopadhyay, nhà nhân chủng học người Ấn Độ. Madhumala Chattopadhyay hiện làm việc tại Bộ Tư pháp xã hội và trao quyền Ấn Độ. Chattopadhyay đã phát hiện nhiều điểm bất ngờ về người Sentinel. Chattopadhyay phát hiện thấy phụ nữ là người kiểm soát bạo lực trong các bộ tộc.

Theo Chattopadhyay, có nhiều quan điểm khác nhau về dân số của các bộ tộc này sau trận sóng thần năm 2004. Về cơ bản, số người không giảm đi trong thảm họa vì họ biết cách sống sót trong thiên nhiên. Các tộc người này theo thuyết vật linh, sùng bái thiên nhiên, cầu nguyện với trời, biển, hát cả đêm khi trăng tròn. Khi thủy triều lên hoặc trời mưa, họ không ra ngoài. Họ biết cách vượt qua tất cả những thứ tai ương để sống sót.

Người dân bộ tộc Sentinel
Người dân bộ tộc Sentinel

Liên quan đến sự tồn tại của bộ tộc Sentinel, chính phủ Ấn Độ đã quyết định từ bỏ khám phá, nghiên cứu sâu hơn, tin rằng việc tiếp xúc quá thường xuyên có thể làm hại đến cộng đồng nguyên thủy nhỏ này. Chính phủ Ấn Độ còn ban hành luật cấm bất kỳ sự tiếp xúc nào với người Sentinel nhằm bảo vệ văn hóa và tồn vong của bộ tộc này, nhất là giúp họ tránh xa những mầm bệnh của xã hội hiện đại, bởi hệ thống miễn dịch của người Sentinel được cho là hoang dã và không thể chống lại được với mầm bệnh hiện đại kháng lại mọi thuốc kháng sinh.

Khắc Nam

(Dịch từ Dailymail/NGC- 6/2019)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.