Multimedia Đọc Báo in

Bí ẩn sa mạc Taklamakan

14:56, 25/09/2019
Taklamakan hay Taklimakan, theo ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) có nghĩa “ra đi không kỳ trở lại” (Place of No Return) hay “đi vào và ngươi sẽ không bao giờ trở ra” (Once you get in, you’ll never get out).
 
Taklamakan là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc, có ranh giới tiếp giáp với dãy Côn Lôn ở phía nam, Pamir và Thiên Sơn ở phía tây và bắc. Taklamakan có diện tích 270.000 km² lòng chảo Tarim, dài 1.000 km và rộng khoảng 400 km. Ở rìa phía bắc và nam là hai nhánh của Con đường tơ lụa.

Về địa hình, Taklamakan là sa mạc lạnh gần giống như Siberi, nhiệt độ rất thấp, có lúc xuống dưới -20°C. Mùa đông 2008, Taklamakan lần đầu tiên bị che phủ hoàn toàn bởi một lớp tuyết dày khoảng 4 cm, có nơi kéo dài hơn 10 ngày. Không có nguồn nước tự nhiên trong sa mạc Taklamakan.  Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy một lượng lớn khí carbon di-oxide (CO2) biến mất xung quanh Tarim; điều này chứng tỏ có một đại dương ngầm khổng lồ dưới Taklamakan với trữ lượng nước dự báo cao gấp 10 lần nước của 5 hồ trong quần thể Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ cộng lại.

Ba trong số hàng trăm xác ướp được tìm thấy tại Taklamakan.
Ba trong số hàng trăm xác ướp được tìm thấy tại Taklamakan.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc thì lưu vực Tarim thực chất là một thung lũng, chứa nước từ các nơi khác đổ về, chủ yếu là từ dãy Shan Tian và Côn Lôn. Còn trên mặt đất, mỗi năm Taklamakan hấp thụ tới hơn 220 tỷ kg khí CO2 (tương đương 0,0005% lượng CO2 của toàn trái đất). Điều này cho thấy lưu vực Tarim cũng được gọi là một bể chứa carbon khổng lồ. Với phát hiện nói trên, giới khoa học cho rằng, rất có thể cách đây hơn hai thiên niên kỷ (2.000 năm), Taklamakan có thể vùng đất trù phú, có người sinh sống và canh tác. Những phát hiện nói trên còn được củng cố bởi nhiều dữ liệu khác như các xác ướp cổ đại, xác ướp động vật và các thành phố cổ như Ca Thập (Kashgar), Mễ Lan (Marin), Ni Nhã (Niya), Toa Xa (Yarkand) và Hòa Điền (Khotan) ở phía nam hay Khố Xa (Kuqa) và Thổ Lỗ Phan (Turfan) ở phía bắc, cùng Lâu Lan (Loulan) và Đôn Hoàng (Dunhuang) ở phía đông.

Những phát hiện khảo cổ ấn tượng cùng nhiều câu chuyện huyền bí về Taklamakan, sa mạc “không lối thoát” đến nay vẫn là một ẩn số thách thức các nhà khoa học nói chung và giới khảo cổ nói riêng.

Taklamakan từng có nhà cửa, đền đài, người sinh sống nhưng nay lại là “vùng đất chết”. Tất cả những gì được giới khảo cổ biết đến, bao gồm cả nhưng di tích cổ quý giá lẫn các xác ướp đều bị vùi sâu trong cát, những đô thị cổ này đã bị lãng quên. Gần đây, nhờ khoa học phát triển, giới khảo cổ học dần khám phá những điều bí ẩn bị lãng quên dưới lòng cát. Vào những năm 1980, người ta tìm thấy nhiều kiến trúc đền đài, thành cổ thuộc về vương quốc Loulan (Lâu Lan) và những xác ướp có niên đại gần 4.000 năm. Các xác ướp này có đặc điểm nhân chủng rất đặc biệt, với mái tóc màu hung, cơ thể mang vết tích người châu Âu, không phải là tổ tiên của người Trung Quốc hiện đại. Các di sản khảo cổ được tìm thấy đều có sự ảnh hưởng của người Thổ Hỏa La (Tocharian), tiền Hy Lạp, Ấn Độ và Phật giáo.

Xác ướp “Người đẹp Lâu Lan” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tân Cương.
Xác ướp “Người đẹp Lâu Lan” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tân Cương.

Năm 1896, nhóm các nhà thám hiểm người Thụy Điển là Sven Hedin, Aurel Stein và Albert von Le Coq đã tìm thấy dấu vết 18 ngôi nhà, một số đền thờ và các tài liệu từ thời Đường và Hán. Các phát hiện khảo cổ này cho thấy Lâu Lan là kinh đô của vương quốc Lâu Lan, có từ trước khi thị trấn Dandan Oilik được hình thành. Năm 1910, một thợ săn địa phương tìm thấy một ngôi mộ cổ gần một con suối, cách  thành cổ Lâu Lan 175 km. Hơn nửa thế kỷ sau, vào năm 1979, một xác ướp phụ nữ có niên đại gần 4.000 năm được tìm thấy gần Lâu Lan. Năm 1988, các nhà khảo cổ Trung Quốc và Đại học Pennsylvania (Mỹ) lại tình cờ phát hiện thấy một xác ướp mới có tên “Người đàn ông Cherchen” tại lòng hồ Tarim. Đến nay đã hơn 100 “xác ướp Tarim” được tìm thấy tại khu vực này. Trước những phát hiện này, các chuyên gia cố gắng giải mã bí ẩn về nguồn gốc của những xác ướp trên nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Nguyễn Khắc

(Dịch từ PO/AON/AC- 8/2019)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.