Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh khoa học mới

07:37, 12/10/2019

Thiết bị bắt giữ khí gây ô nhiễm 

Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Để hạn chế phát tán khí Carbon dioxide (CO2), hãng Hypergiant Industries (HI) của Mỹ vừa phát triển thành công lò phản ứng sinh học có tên Bioreactor sử dụng tảo chlorella Vulgaris để hấp thụ CO2 trong không khí. Lò có hiệu suất tương đương 400 cây xanh về khả năng hấp thụ loại khí này. Sau khi “ăn” CO2, tảo chlorella Vulgaris nhả ra nhiên liệu sinh học có thể thu hoạch. Thiết bị này được quản lý bởi AI (trí tuệ nhân tạo) để tối ưu hóa sự phát triển của tảo, thu gom carbon và giúp tảo sinh sôi. Tảo chlorella Vulgaris là một sinh vật đơn bào, phát triển nhanh thông qua sự hấp thụ ánh sáng mặt trời và carbon dioxide. Nó có thể được nuôi trồng ở bất cứ nơi nào và cần rất ít dinh dưỡng để tồn tại.

Thiết bị bắt giữ khí gây ô nhiễm.
Thiết bị bắt giữ khí gây ô nhiễm.

Nhựa phân hủy nhanh sản xuất từ ... cá

Nữ sinh viên Lucy Hughes (23 tuổi, người Twickenham, Anh) vừa tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế sản phẩm ở Đại học Sussex đã được trao giải sáng tạo James Dyson trị giá 2.000 bảng Anh, với sáng kiến tạo ra vật liệu nhựa dùng cho sản xuất bao bì từ các sản phẩm phụ của cá, như da và vảy cá thay thế nhựa truyền thống lâu hủy và gây ô nhiễm môi trường. Vật liệu mới của Hughes được đặt tên là MarinaTex, có thể phân hủy trong đất từ 4-6 tuần nên có thể để chung với rác thải thực phẩm khác trong gia đình. MarinaTex được chế từ tảo đỏ, liên kết các protein chiết xuất từ da và vảy cá, trong suốt, có độ đàn hồi và co giãn cao. Nhìn bề ngoài MarinaTex giống như nhựa truyền thống nhưng lại dai hơn, bền hơn túi nhựa bình thường, an toàn cho môi trường và không gây hại cho con người. Dự kiến, Marinatex sẽ được đưa ra thương phẩm vào nửa cuối năm 2020.

Áo thông minh theo dõi bệnh hô hấp

Trung tâm Y tế Đại học Radboud, Hà Lan (RUMC) vừa nghiên cứu phát triển một loại áo thông minh có tên Hexoskin dùng để theo dõi các loại bệnh hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, hay xơ nang ở con người. Hexoskin đo chức năng phổi bằng cách cảm nhận các chuyển động trên ngực, bụng, được chứng minh chính xác như các thiết bị truyền thống. Hexoskin sử dụng kết hợp với một ứng dụng di động và nhờ Hexoskin bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân từ xa để can thiệp kịp thời. Bí quyết của Hexoskin là tập hợp các cảm biến Bluetooth siêu nhỏ, nhúng trong vải, thớ vải đóng vai trò là bề mặt cảm biến. Khi được kích hoạt, Hexoskin sẽ kiểm soát cùng lúc hơn 3.000 thông số cơ thể, đo các chỉ số như nhịp tim, huyết áp, đếm bước chân, đo lượng calo tiêu thụ, nhịp thở... Tất cả được theo dõi và hiển thị theo thời gian thực. Ngoài chức năng theo dõi sức khỏe,  Hexoskin còn là một chiếc áo thời trang bắt mắt, không hư hại khi giặt, không gây khó chịu cho người dùmg.

Cảm biến phát hiện Methanol trong rượu

Ngộ độc Methanol rất nguy hiểm, có thể gây mù, suy nội tạng, nặng thì tử vong. Hiện chưa có máy dò Methanol trong hơi thở hoặc đồ uống. Các cảm biến hóa học truyền thống không thể phân biệt mức Methanol vượt ngưỡng an toàn. Để khắc phục, nhóm chuyên gia ở Viện công nghệ ETH Zurich (Thụy Sĩ) đã phát triển thành công một cảm biến nhỏ có thể phát hiện khí Methanol trong rượu hoặc trong hơi thở người. Cảm biến cầm tay này có thể phân biệt giữa đồ uống Metha-nol độc hại với đồ uống an toàn. Cấu trúc của cảm biến gồm  một loại polymer xốp cho phép các phân tử Methanol nhỏ hơn đi qua Ethanol nhanh hơn, làm tăng tính chọn lọc của cảm biến, giúp thiết bị phát hiện Methanol trong cả chất lỏng lẫn trong khí thở chỉ trong vài phút.

Gel bảo vệ cây trồng chống cháy

Đây là loại gel chống cháy không độc, thân thiện, có thể bám vào cây trồng, giúp cây trồng chịu được tác động của mưa gió và hỏa hoạn. Có thể phủ lên đám cỏ, bụi cây để bảo vệ cây , nhất là ở những nơi dễ xảy ra cháy rừng. Sản phẩm của các chuyên gia ở Đại học Stanford được chế tạo từ cellulose. Qua thực nghiệm phun lên cây cỏ nhưng sau trận mưa 12,7 mm, nó vẫn phát huy khả năng ngăn lửa. Không giống như các lớp phủ tương tự, gel của Đại học Stanford không bị rửa trôi trong mưa và mau khô nên có thể bảo vệ cây trồng trong suốt mùa khô và khi hết tuổi thọ, nó tự phân hủy sinh học, vô hại cho cây trồng, con người lẫn môi trường.

Siêu camera nhận dạng chính xác một người trong đám đông

Theo trang tin Dailymail (DM) của Anh, tại Triển lãm Công nghệ Quốc tế tổ chức trung tuần tháng 9-2019, Đại học Fudan, Học viện Quang học Changchun, Phân ban Cơ học và Vậy lý chính xác Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã đưa ra giới thiệu một siêu camera an ninh có độ phân giải cực lớn, tới 500 megapixel. Siêu camera này có khả năng nhận diện khuôn mặt một người trong hàng vạn người. Camera này có độ phân giải cực lớn, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng nhận diện khuôn mặt để đối chiếu với dữ liệu cơ sở.  Chi tiết cụ thể về siêu camera nói trên chưa được tiết lộ, song theo DM, nó kết hợp đồng bộ của nhiều camera nhỏ với nhau, có thể ghi lại hình ảnh chi tiết cao gấp 5 lần mắt người. Tuy nhiên, siêu camera nói trên vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm như nơi lắp đặt, chuyển file ảnh lên đám mây, xử lý dữ liệu hình ảnh hay quan ngại về quyền riêng tư... so với các quy định của pháp luật hiện hành lẫn thông lệ quốc tế.

Khắc Duy

(Dịch từ GNO/CC/FC/NC/IDC/DM - 9&10/2019)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.