Multimedia Đọc Báo in

Phát minh mới giúp y học trị bệnh hiệu quả hơn

08:05, 26/03/2021

Phát hiện đột biến gene giúp con người chịu lạnh tốt

Viện Karolinska Institutet (KI), Thụy Điển vừa tìm ra đột biến gene tham gia vào quá trình tiết kiệm năng lượng, giúp con người chịu lạnh tốt hơn. Nghiên cứu phát hiện thấy, có tới 20% dân số thế giới mang đột biến gene này. Đây là đột biến di truyền làm ngưng sản xuất protein α-actinin-3, hợp chất quan trọng đối với sợi cơ xương. Những người không có α-actinin-3 có tỷ lệ sợi cơ phản ứng chậm hơn, vì thế cơ thể họ có xu hướng tiết kiệm năng lượng bằng cách tạo ra trương lực cơ thông qua các cơn co thắt, thay vì run rẩy ở nhóm người bình thường. Từ lâu khoa học biết rằng, những người thiếu α-actinin-3 có khả năng giữ nhiệt và xử lý năng lượng, chịu đựng khí hậu khắc nghiệt tốt hơn. Sự thiếu đi protein này mang lại khả năng phục hồi tốt hơn khi gặp lạnh.

Một số người có khả năng chịu lạnh tốt nhờ đột biến gene làm ngưng sản xuất protein α-actinin-3.
Một số người có khả năng chịu lạnh tốt nhờ đột biến gene làm ngưng sản xuất protein α-actinin-3.

Công nghệ mới nhận diện bằng mạch máu

Nhận diện sinh trắc học rất đa dạng như qua khuôn mặt, mống mắt hay dấu vân tay... nhưng trong tương lai sẽ có một công nghệ nhận diện mới bằng… mạch máu. Đó là phát minh mới của Trường Kỹ thuật và Khoa học máy tính thuộc Đại học New South Wales (UNSW), Australia.

Nhóm nghiên cứu sử dụng camera có độ sâu triệt để Intel RealSense D415 Depth chụp 17.500 bức ảnh của 35 người tình nguyện. Những người này sẽ nắm tay lại, để lộ kiểu dáng mạch máu bàn tay. Tiếp theo, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để lọc, phân loại đặc điểm riêng biệt. Kết quả, mức độ nhận diện một cá thể chính xác tới hơn 99%. Theo Seyd Shah, thành viên nhóm nghiên cứu, các mạch máu nằm dưới da nên không lộ rõ như vân tay, cũng không sẵn có trên mạng xã hội như ảnh chụp khuôn mặt hay mống mắt rất dễ bị đánh cắp. Vì vậy, phương pháp nhận diện bằng mạch máu an toàn hơn rất nhiều so với các thủ thuật sinh trắc học truyền thống.

Robot làm sạch nhà ga, quét vi rút gây bệnh Covid-19

Công ty Đường sắt quốc gia Đức Deutsche Banhn (DB) hiện đang thử nghiệm một loại robot làm sạch ga trung tâm Frankfurt (FCS). Nó có thể quét sạch các vi rút gây bệnh, trong đó có Covid-19. Đây là loại robot tự hành có tên Manni, do doanh nghiệp khởi nghiệp Spring Mobility ở Berlin chế tạo. Manni có thể vệ sinh, làm sạch bề mặt sàn, vô hiệu hóa mầm bệnh bằng nước ozon hóa – loại chất khử trùng tự nhiên có hiệu quả cao trong diệt vi rút gây bệnh Covid-19. Mỗi ngày Manni có thể làm sạch và khử trùng được khoảng 12.000 m2 mặt sàn với sự trợ giúp của 2 mắt laser, 10 cảm biến siêu âm, 5 máy ảnh và 2 anten định vị GPS. Công nghệ của Manni y như một cỗ xe tự hành, có thể nhận biết chướng ngại vật để tránh nên rất tiện lợi, không ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của nhà ga lẫn hành khách đi tàu.

Robot làm sạch nhà ga, quét vi rút gây bệnh Covid-19.
Robot làm sạch nhà ga, quét vi rút gây bệnh Covid-19.

Thuốc tránh thai cho nam giới từ thảo dược

Viện nghiên cứu Lundquist Institute (LI) của Mỹ vừa phát triển thành công loại thuốc tránh thai dành cho nam giới từ hợp chất thảo dược trong y học cổ truyền châu Á. Hợp chất này có tên triptonide, chiết xuất từ một loại thảo mộc Trung Quốc có tên là T. wilfordii Hook F.

Theo cách chữa bệnh cổ truyền của người Trung Hoa, loại thảo mộc này được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có viêm khớp dạng thấp. Nhưng kể từ những năm 1980, thuốc đã được khoa học nghiên cứu phát hiện thêm tác dụng vô sinh tạm thời ở đàn ông. Sau khi chọn được 10 hợp chất từ loại thảo mộc, cuối cùng người ta đã chọn được triptonide là hợp chất có hiệu quả cao nhất. Các thử nghiệm trên động vật cho thấy, nếu dùng liều uống hằng ngày có thể khiến chuột đực bị vô sinh trong vòng 3 - 4 tuần và khỉ đực trong vòng từ 5 - 6 tuần thông qua cơ chế làm biến dạng gần như 100% tinh trùng. Triptonide an toàn, dễ uống, không làm thay đổi tâm trạng hoặc hành vi của người dùng. Khi dừng uống thuốc, khả năng sinh sản lại sẽ trở lại như cũ trong vòng 4 - 6 tuần.

Nguyễn Duy

(Dịch từ SDC/CNN/IEC/THX/NAC– 3/2021)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.