Những lợi ích bất ngờ của phương pháp "da kề da" sau sinh
Buổi sáng tại phòng sinh của Khoa Sản (Bệnh viện đa khoa tỉnh), thay bằng tiếng khóc của những đứa trẻ, sự mệt mỏi của những bà mẹ là những giấc ngủ ngoan lành và nụ cười hạnh phúc. Phòng sinh nhờ vậy mà không còn là nỗi sợ hãi của các sản phụ.
Đó là do Khoa Sản đang áp dụng phương pháp “da kề da” sau sinh, nghĩa là sau khi em bé chào đời, cán bộ y tế không trao trẻ cho người nhà như trước đây mà đặt em bé lên người mẹ để da trẻ và da mẹ tiếp xúc trực tiếp với nhau, trẻ nhận được hơi ấm từ thân nhiệt của mẹ. Thời gian này cán bộ y tế sẽ hỗ trợ để trẻ được bú những dòng sữa non giàu dinh dưỡng đầu tiên từ mẹ.
Chị Lê Thị Tương (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) vừa sinh một bé gái nặng 4 kg. Đây là lần thứ hai chị Tương sinh con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng là lần đầu tiên được áp dụng phương pháp “da kề da” sau sinh. Chị Tương cho biết: sau khi sinh xong, chị rất đau đớn và gần như kiệt sức vì em bé khá lớn nhưng khi bác sĩ đặt con lên người, được nhìn con, ôm con ngay từ giây phút nó vừa ra đời, mọi mệt mỏi dường như biến mất, niềm vui làm mẹ như được nhân đôi. Cũng như chị Tương, chị Phạm Thị Bích Hiền (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) cảm thấy rất vui trong lần làm mẹ đầu tiên. Mặc dù đã từng học ngành điều dưỡng, được biết đến phương pháp “da kề da” nhưng khi chính thức được trải nghiệm, chị mới thấy rõ sự kỳ diệu mà phương pháp này mang lại. Chị Hiền chia sẻ: Khi bác sĩ đặt con lên người, chị rất xúc động và vui sướng khi được ôm đứa con đỏ hỏn sau 9 tháng mang nặng đẻ đau, cảm giác đau đớn cũng vì thế mà tan biến.
Bắt đầu thực hiện phương pháp “da kề da” từ năm 2012 nhưng đến cuối năm 2014, Khoa Sản mới áp dụng cho tất cả những thai phụ khỏe mạnh, lựa chọn cách sinh thường. Bác sĩ Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Khi mới áp dụng, rất nhiều người nhà sản phụ phản đối phương pháp này. Họ cho rằng chỉ với một tấm khăn mỏng phủ lên mẹ và con thì đứa trẻ sẽ không đủ ấm và sức khỏe dễ bị ảnh hưởng. Nhưng thực tế thì thân nhiệt của mẹ chính là “chiếc điều hòa nhiệt độ” tốt nhất cho trẻ. Và sau nhiều lần tư vấn của cán bộ y tế, đến nay hầu hết bà mẹ và người nhà đều ủng hộ phương pháp này”. Bác sĩ Đinh Viết Quang, Phó trưởng Khoa Sản giải thích: “Phương pháp “da kề da” mang lại rất nhiều lợi ích cho người mẹ và trẻ sơ sinh. Trước hết, trẻ được sống trong môi trường thân thiện là cơ thể mẹ. Thứ hai, việc cắt dây rốn muộn trong phương pháp này giúp hệ tuần hoàn của trẻ thích nghi dần với môi trường ngoài bụng mẹ. Thứ ba, giúp trẻ tiếp cận sớm với vú mẹ. Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ lên đến 90%”. Bác sĩ Quang cho rằng phương pháp này hoàn toàn có thể áp dụng tại các bệnh viện tuyến cơ sở, thậm chí tại trạm y tế xã.
Đề cập đến khó khăn trong việc thực hiện phương pháp “da kề da” sau sinh, bác sĩ Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: Hiện nay vì thiếu nhân lực nên bệnh viện mới chỉ áp dụng phương pháp này với những bà mẹ sinh thường, chưa áp dụng trường hợp sinh mổ. Bên cạnh đó, số giường sinh tại Khoa Sản có hạn nên có nhiều trường hợp thời gian mẹ và bé được ở bên nhau không nhiều, chưa đạt yêu cầu là ít nhất 90 phút. Nhận thấy những lợi ích thiết thực mà phương pháp này mang lại, trong thời gian tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tăng cường bổ sung nhân lực, tập huấn kỹ năng cho cán bộ y tế để áp dụng phương pháp “da kề da” cho những trường hợp sinh mổ.
Thu Huế - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc