Multimedia Đọc Báo in

"Cơn sốt" tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu: Không nên quá hoang mang

11:19, 21/03/2016

Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm não mô cầu, nhất là khi thông tin phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Đắk Lắk được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người dân trên địa bàn đã vội vàng đưa con đi tiêm phòng gây nên tình trạng khan hiếm vắc xin cục bộ.

Lặn lội chở hai con nhỏ đi quãng đường hơn 60km từ xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông (nơi ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên của tỉnh đi qua) lên tận Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột) để tiêm vắc xin, chị Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: “Mấy ngày nay, thấy mọi người trong xã thuê xe chở con lên Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu, rồi xem ti vi lại nghe nói về mức độ nguy hiểm của bệnh này có thể lấy đi sinh mạng của một người khỏe mạnh trong vòng 24 giờ sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, vợ chồng tôi thấy rất lo nên quyết định đưa con đi tiêm phòng. Lên đến nơi gần 8 giờ sáng, tôi vào đăng ký tiêm phòng cho các cháu. Dù mọi người đăng ký rất đông, nhưng vì tôi ở vùng sâu vùng xa, lại gần địa bàn có ca bệnh được ưu tiên tiêm trước nên đến 3 giờ chiều các con tôi đã được tiêm".

Người dân chen nhau đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não cho trẻ tại phòng tiêm chủng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Người dân chen nhau đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não cho trẻ tại phòng tiêm chủng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Không chỉ riêng chị Thủy mà phần lớn các bậc phụ huynh có mặt tại điểm tiêm hôm ấy đều có chung tâm lý hoang mang, lo lắng trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm não mô cầu và chọn phương án cho con đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Thế nhưng, không phải ai cũng có được may mắn như mẹ con chị Thủy, rất nhiều người đưa con đến rồi lại thất vọng ra về vì chưa thể tiêm vắc xin. Chị Trần Thị Trang Duyên (ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch: “Tôi đã đưa con mình đến một số điểm tiêm dịch vụ ở thành phố nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời hết vắc xin. Nghe bạn bè chỉ đến phòng tiêm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tôi đưa con đến ngay. Nhưng khi đến đây đăng ký, tôi nghe nhân viên phòng tiêm nói hiện lượng người đăng ký rất đông mà vắc xin còn ít nên phải tiêm theo thứ tự. Họ có lưu số điện thoại của tôi và nói khi nào có vắc xin sẽ thông báo. Thực sự tôi lo lắng quá mà không biết làm sao”.

Trao đổi với bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về vấn đề này được biết, vắc xin phòng viêm não mô cầu hiện được tiêm theo hình thức tiêm dịch vụ, gồm hai loại vắc xin phòng não mô cầu type A-C của Pháp và type B-C của Cuba. Trong đó, vắc xin A-C đã hết, chỉ còn vắc xin B-C nhưng số lượng cũng có hạn. Hiện trên toàn tỉnh có khoảng 1.600 liều vắc xin não mô cầu. Trong đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có 700 liều, Viện dịch tễ Tây Nguyên có 500 liều, huyện Ea Súp và một số phòng khám tư có khoảng 400 liều...”. Nguồn vắc xin dự trữ thì có hạn, còn nhu cầu của người dân lại tăng cao đột biến đã xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ. Theo thống kê sơ bộ của phòng tiêm chủng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, chỉ trong vòng 3-4 ngày trở lại đây, lượng người đăng ký chờ tiêm vắc xin viêm não mô cầu đã lên đến 1.200 liều. Riêng ngày 15-3 đã có 400 lượt người đăng ký. Trong khi đó, 2 ngày 14 và 15-3, Trung tâm đã tiến hành tiêm được trên 400 liều, lượng vắc xin dự trữ chỉ còn lại chưa đầy 300 liều, quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân. Theo bác sĩ Trần Thị Ái Hoa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, lâu nay, vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu luôn có sẵn ở Trung tâm, lượng dự trữ 700 liều là tương đối lớn, bởi mỗi ngày  chỉ có vài ba lượt người đến đăng ký tiêm, thậm chí có ngày chẳng có ai đăng ký. Nhưng từ khi có ca bệnh trên địa bàn, người dân mới ồ ạt cho con đi tiêm nên mới xảy ra tình trạng quá tải. Nếu những ngày tới số lượng trẻ đến tiêm vẫn đông như những ngày qua thì chúng tôi không thể đáp ứng đủ vì lượng vắc xin dự trữ chỉ có hạn. Mặc dù Trung tâm đã đăng ký mua thêm vắc xin để phục vụ nhu cầu của người dân nhưng đến hiện tại vẫn chưa biết khi nào vắc xin mới về tới”.

Được biết, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận 8 ca mắc bệnh viêm não mô cầu, trong đó ca bệnh mới nhất được phát hiện tại Đắk Lắk. Điều này cho thấy, bệnh mới chỉ xuất hiện rải rác, chưa phát sinh thành dịch. Hơn nữa, viêm não mô cầu là bệnh chỉ lây truyền qua đường hô hấp và vi khuẩn viêm não mô cầu có sức đề kháng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và chất tẩy rửa thông thường. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang đi tiêm phòng theo “hội chứng đám đông”. Bởi, theo lời bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì người dân có ý thức đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh là rất tốt, nhưng phải tiêm đủ liều trong một thời gian nhất định chứ không phải tiêm một lần là đã phòng được bệnh. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh, việc cần thiết nên làm là chủ động thực hiện tốt các biện pháp dự phòng như: thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng muối hoặc các chất sát khuẩn thông thường; tăng cường vệ sinh nhà ở và các vật dụng thường ngày, hạn chế tập trung đông người; khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, đau đầu cần đến các cơ sở y tế khám và được tư vấn điều trị.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.