Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội điều trị ARV cho người nhiễm HIV

11:32, 30/11/2016

Việc sử dụng ARV (thuốc có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi rút HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS) cho người nhiễm HIV đang được nhìn nhận là một trong những biện pháp tích cực giúp người có HIV cải thiện sức khỏe và kéo dài thời gian sống…

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân nhiễm HIV nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị thuốc ARV thì có thể duy trì sức khỏe tốt như những người bình thường. Bên cạnh đó ARV còn giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm tới 95%. Đặc biệt, trường hợp vợ chồng cùng bị nhiễm HIV, khi điều trị ARV thì vẫn có thể sinh ra những đứa con không bị nhiễm HIV.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị ARV miễn phí. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ, danh sách quản lý người nhiễm; khám sức khỏe, phân loại bệnh nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đưa vào điều trị ARV. Cùng với đó, Trung tâm còn huy động sự tham gia của cộng đồng, gia đình trong việc chăm sóc, tiếp cận người nhiễm HIV để theo dõi chăm sóc và quản lý điều trị; tăng cường công tác tiếp cận, tư vấn cho bệnh nhân AIDS được điều trị ARV và điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazole.

Tuy nhiên, việc điều trị này đang gặp khó khăn khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm nhanh và sẽ kết thúc vào năm 2017, đồng nghĩa là người nhiễm HIV/AIDS sẽ không được miễn phí điều trị ARV. Trong khi đó, phần lớn các bệnh nhân điều trị ARV ở tỉnh ta đang điều trị phác đồ bậc 1 với chi phí khoảng 300.000 đồng/tháng và việc điều trị phải được tiến hành liên tục mới đạt được hiệu quả. Chi phí điều trị này tuy không phải số tiền lớn nhưng vẫn được xem là “quá sức” đối với nhiều người nhiễm HIV/AIDS, bởi hầu hết người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đều nằm trong đối tượng nghèo và cận nghèo, không có tiền mua thuốc hoặc thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng chống  HIV/AIDS tỉnh.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn này, các chuyên gia y tế cho rằng, người nhiễm HIV cần có “phao cứu sinh” là bảo hiểm y tế (BHYT) để giúp họ giảm bớt chi phí điều trị. Theo Thông tư 15/2015/TT-BYT ngày 26-6-2015 của Bộ Y tế thì điều trị thuốc ARV được BHYT chi trả. Mức hưởng đối với loại thuốc này cũng tương tự như với những trường hợp khám chữa bệnh có thẻ BHYT khác theo quy định tại Điều 22, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 1.700 trường hợp nhiễm HIV, trong đó số người có thẻ BHYT chiếm khoảng 30%. 

 

Được biết, để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; giao Sở Y tế địa phương rà soát và các ngành liên quan tổng hợp danh sách người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT trên địa bàn đang được quản lý tại các cơ sở y tế, các trung tâm thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ sở khác; huy động kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS... Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 quy định việc thanh toán thuốc kháng vi rút (ARV) được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi rút HIV. Quyết định này nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành đối với Trung ương và sở ngành ở địa phương cũng như quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.      

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.