Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng với bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

16:07, 02/07/2017

Liệt nửa mặt, méo miệng (hay còn gọi là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên) là loại bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây, biểu hiện là liệt ngoại biên nửa bên mặt.

Bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến khả năng lao động, giao tiếp hằng ngày, khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh.

Một buổi sáng thức dậy, bà Hoàng Thị Phương (56 tuổi, ở thôn 13A, xã Ea Kly, huyện Ea Kar) bất ngờ thấy mặt cứng đơ, khi súc miệng thấy nước trào ra bên mép, miệng không khép được hoàn toàn, mặt bên trái bị méo xệch. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên và phải vào Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) điều trị châm cứu, bấm huyệt ở vùng mặt. Cũng đang điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tại Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh còn có cháu Y Trai Êban (10 tuổi, ở buôn Tah, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin). Nguyên nhân khiến Y Trai bị tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên là do bị ngã đập đầu xuống đất, chảy máu tai.

Điều trị cho bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tại Bệnh viện Y học  cổ truyền tỉnh.  Ảnh: Đ.Thi
Điều trị cho bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đ.Thi

Theo bác sĩ Đỗ Văn Khải (Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh mà người dân hay gọi nôm na là trúng gió. Bệnh hiện nay rất phổ biến và có rất nhiều trường hợp mắc. Điển hình từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh điều trị cho trên 40 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, chủ yếu ở độ tuổi từ 10 đến 60. Bệnh do nhiều nguyên nhân, song khoảng trên 75% trường hợp mắc bệnh là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Còn lại là do biến chứng các loại chấn thương, như: chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm, viêm tai mũi họng thường xuyên mà không chữa trị dứt điểm…”.

Biểu hiện của bệnh liệt dây thần số 7 ngoại biên rất rõ ràng, ai cũng có thể phát hiện và nhận biết bệnh, như: mặt bị sệ, hơi cứng khác thường, miệng bị méo sang một bên, một bên mắt không thể nhắm kín, uống nước bị trào lại ra ngoài; ngoài ra một số trường hợp ban ngày bỗng dưng thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt, khó cử động, khó cười nói, khó nhắm mắt, đau trong tai, nhức đầu, mất vị giác, nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn…

Cũng theo bác sĩ Đỗ Văn Khải, hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh sử dụng phương pháp châm cứu, cứu điếu ngãi, bấm huyệt để điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, thời gian điều trị từ 3 - 4 tuần, mức độ khỏi bệnh là trên 90% với những bệnh nhân được phát hiện sớm trong tuần đầu tiên. Còn những bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn hơn (từ 3 - 4 tháng) thì chức năng của các cơ vùng mặt khó hồi phục, việc điều trị chỉ đỡ được một phần, vẫn để lại di chứng, như: méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống còn rơi vãi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ người bệnh.

Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu,  phụ nữ có thai, người ít luyện tập thể dục thể thao, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, người hay thức khuya khiến cơ thể luôn mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng giảm, dễ cảm cúm…; đặc biệt những người hay uống bia rượu thường về khuya dễ bị nhiễm gió lạnh.  

Vì vậy, bác sĩ Khải lưu ý, để không bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp. Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang giữ ấm trán, đầu, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió; hạn chế ở ngoài trời lạnh khi nhiệt độ thấp và luôn giữ ấm cơ thể; khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài; vào mùa lạnh, khi đang nằm trong chăn ấm hoặc ở trong nhà mà ra ngoài thì phải mặc thêm áo ấm, nên tắm nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh, tránh tắm nước lạnh và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh; vào mùa nắng nóng, sử dụng quạt, máy lạnh nhưng không phả trực tiếp vào người, nhất là sau gáy. Khi bị liệt mặt cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đồng thời cũng để chẩn đoán, loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não…

Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm các chứng viêm nhiễm ở tai, mũi, họng và đề phòng chấn thương sọ não ở vùng thái dương, xương chũm bởi đó cũng là nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.