Multimedia Đọc Báo in

Những lưu ý khi điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà

06:05, 27/08/2017

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ người sang người thông qua vết đốt của muỗi vằn (tên khoa học là muỗi Aedes Aegypti).

Đây là bệnh xuất hiện quanh năm, nhất là vào mùa mưa, nhưng nguy hiểm vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn chủ quan, thiếu kiến thức trong phòng bệnh, nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh, thậm chí tự điều trị tại nhà khi mắc bệnh, dẫn đến nguy cơ bệnh diễn biến nặng, tử vong rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Hai, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh SXH có một số dấu hiệu điển hình để phân biệt với một số bệnh cảm sốt khác, đó là bệnh nhân sốt cao đột ngột và kéo dài liên tục, kèm theo đau đầu dữ dội, nhức mỏi toàn thân, nhức hai hốc mắt. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết trên da hoặc chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nặng hơn còn có thể nôn ra máu.

Bệnh SXH có các mức độ nặng nhẹ khác nhau, bao gồm: SXH, SXH có dấu hiệu cảnh báo, SXH nặng. Bác sĩ Nguyễn Hai lưu ý bệnh nhân SXH chỉ có thể tự điều trị tại nhà nếu là SXH nhẹ, chưa có dấu hiệu cảnh báo. Việc điều trị bệnh SXH hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng. Đầu tiên, người bệnh cần được hạ sốt và bù nước. Loại thuốc tốt nhất để giảm đau, hạ sốt là Paracetamol có hoạt chất Acetaminophel (không nên dùng thuốc Aspirin vì dễ làm xảy ra tình trạng xuất huyết). Cùng với đó là bù nước cho bệnh nhân bằng đường uống, có thể là nước chanh, nước cam, nước dừa, hoặc dung dịch Oresol, loại chống mất nước. Sử dụng từ 2 lít mỗi ngày.

Một trường hợp mắc SXH điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.  Ảnh: Q.Nhật
Một trường hợp mắc SXH điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Q.Nhật

Trong quá trình tự điều trị tại nhà, nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo: sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, mệt đừ, nôn ói, đau bụng vùng thượng vị hoặc vùng mạn sườn bên phải, đặc biệt triệu chứng xuất huyết (chảy máu mắt, mũi, chân răng, nôn ra máu) ngày càng nặng cần đến ngay cơ sở y tế.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh SXH hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là không để bị muỗi đốt, nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối, thời điểm hoạt động mạnh nhất của muỗi truyền bệnh SXH. Bên cạnh đó, cần diệt muỗi bằng các loại hóa chất; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thu gom, tiêu hủy các vật phế thải, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, không cho muỗi đẻ trứng.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.