Multimedia Đọc Báo in

Cần phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh Glôcôm

06:16, 10/09/2017
Glôcôm (còn gọi bệnh cườm nước hoặc thiên đầu thống) là một nhóm bệnh lý của mắt gây tổn hại thị lực thần kinh. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây mù trên thế giới đứng sau đục thủy tinh thể, tại Việt Nam có khoảng 6,5% người mù là do bệnh Glôcôm. 
 
Bệnh Glôcôm nguy hiểm nhưng diễn tiến âm thầm, khoảng 90% người bệnh không biết mình mắc bệnh. Hầu hết trường hợp được phát hiện khi tình cờ đi khám các bệnh lý khác hoặc đến bác sĩ chuyên khoa lúc bệnh đã ở giai đoạn nặng. Điển hình là trường hợp của ông Tôn Thất Tín (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Sau nhiều tháng thấy mắt có biểu hiện nhìn mờ, chói, cảm giác tức, khó chịu, ông Tín đến Bệnh viện Mắt tỉnh kiểm tra thì được chẩn đoán mắc bệnh Glôcôm góc mở (còn gọi là bệnh Glôcôm mạn tính). Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nhưng  khả năng giữ lại thị lực cho bệnh nhân rất thấp.  
 
Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Mắt tỉnh, anh Y Djuan Bkrông (43 tuổi, ở buôn Knia, xã Ea Đrông, TX. Buôn Hồ) thấy mắt mờ, tầm nhìn bị thu hẹp nên lầm tưởng là bị cận thị. Đến Bệnh viện Đa khoa TX. Buôn Hồ khám, anh được chẩn đoán mắc bệnh Glôcôm và được phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, do chủ quan và bận lao động nên anh không đi tái khám, không tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Đến khi thấy mắt mờ, đến Bệnh viện Mắt tỉnh khám thì anh Djuan đã bị teo toàn bộ thần kinh trong mắt dẫn đến mất thị lực một bên. 
Bệnh nhân khám mắt tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: Q.Nhật
Bệnh nhân khám mắt tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: Q.Nhật

Trung bình mỗi ngày khoa Khám (Bệnh viện Mắt tỉnh) tiếp nhận hơn 150 ca bệnh, trong đó có 20% trường hợp mắc bệnh Glôcôm. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là người trên 40 tuổi. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh Glocôm đều không được phát hiện sớm, bệnh nhân hay nhầm với các bệnh về mắt khác nên chủ quan không điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh Glocôm có  hai loại là Glôcôm góc đóng (cấp tính) và Glôcôm góc mở (mạn tính) nhưng thường gặp nhất là bệnh Glôcôm góc mở. Bệnh Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện đau nhức mắt, nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn hoặc buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Bệnh Glôcôm góc mở thường không có triệu chứng gì đặc hiệu,  không đau nhức, không đỏ mắt. Bệnh tiến triển âm thầm, làm tăng nhãn áp kéo dài, thu hẹp vùng nhìn lại. Người bệnh thường phát hiện ra bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều.  
 
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng Khoa Khám (Bệnh viện Mắt tỉnh) cho biết, phần lớn bệnh nhân đến và điều trị bệnh Glocôm tại đây đều đã ở giai đoạn nặng do chủ quan hay nhầm lẫn với viêm xoang, đau đầu không rõ nguyên nhân và tự ý mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng. Đến khi bệnh trở nặng, mắt nhìn mờ mới đến bệnh viện khám thì khả năng phục hồi thị lực rất thấp.
 
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh mù lòa do Glôcôm, cần tầm soát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên. Khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Mắt; đồng thời cần khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh.
 
Liên Chi

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.