Multimedia Đọc Báo in

"Mụ vườn" đỡ đẻ tại nhà: Nguy cơ lớn gây ra tình trạng uốn ván sơ sinh

06:49, 05/11/2017

Hiện nay, 100 % trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ; 100% thôn, buôn có cộng tác viên y tế. Thế nhưng ở nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra tình trạng uốn ván sơ sinh dẫn đến những cái chết oan uổng của trẻ.

Theo báo cáo của ngành y tế, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 22 trường hợp uốn ván sơ sinh, xảy ra tại các địa phương như: Cư Kuin, Krông Pắc, Lắk, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Súp, Krông Ana, Ea H’leo, M’Đrắk, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột. Qua điều tra của ngành y tế, tất cả 22 trẻ bị uốn ván sơ sinh nói trên đều do mẹ không tiêm phòng uốn ván trong quá trình mang thai.

Cái chết của bé trai sơ sinh con chị H’Ngô Niê (24 tuổi, ở buôn Sah, xã Ea Bông huyện Krông Ana) là một trong 19 trường hợp uốn ván sơ sinh tử vong do “mụ vườn” đỡ đẻ tại nhà. Theo lời chị H’Ngô Niê, trong quá trình mang thai chị đã thực hiện 6 lần siêu âm, lần nào cũng được bác sĩ cho biết là cả mẹ và con đều có sức khỏe tốt. Cuối tháng 5-2017, chị H’Ngô Niê đang hái măng thì bị đau bụng. Mẹ chị liền đi mời “mụ vườn” Ae Tul Biên bán quán ở đầu buôn Sah đến đỡ đẻ. Ae Tul Biên đã dùng lưỡi lam để trên nóc tủ cắt rốn cho bé, sau đó bảo người nhà lấy vải cuốn em bé lại rồi ra về. Sáu ngày sau, em bé bắt đầu sốt cao, hai mẹ con H’Ngô được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 ngày sau thì em bé tử vong.

Cán bộ y tế thôn, buôn đến vận động “mụ vườn” Ae Tul Biên (thứ 3 từ phải sang)  không đỡ đẻ nữa.
Cán bộ y tế thôn, buôn đến vận động “mụ vườn” Ae Tul Biên (thứ 3 từ phải sang) không đỡ đẻ nữa.

Mụ vườn Ae Tul Biên năm nay 75 tuổi. Cụ kể rằng mình “học nghề” đỡ đẻ từ một mụ vườn trong buôn và đã đỡ đẻ cho nhiều người từ trước năm 1975 đến nay. Chính mẹ H’Ngô Niê cũng được cụ cũng đỡ đẻ cho 4 đứa; còn con của H’Ngô chết là vì sao thì cụ không biết.

Năm 2016 tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) cũng xảy ra trường hợp tương tự: “mụ vườn” đỡ đẻ cho thai phụ và cắt rốn bằng dao cạo. Sau 1 tuần thì em bé tử vong tại bệnh viện.

Theo y sĩ Y Buốt Byă, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Bông (huyện Krông Ana), trên địa bàn xã có 3 “mụ vườn” thực hiện đỡ đẻ một cách tự do. Để ngăn chặn tình trạng này, Y Buốt và các cán bộ y tế xã thường xuyên gặp các “mụ vườn” để tuyên truyền vận động họ bỏ “nghề”. Tuy nhiên, mỗi khi có người nhờ, các “mụ vườn” vẫn đến đỡ đẻ. Mới đây theo chỉ đạo của Sở Y tế, Trạm Y tế xã Ea Bông đã yêu cầu các “mụ vườn” trên địa bàn ký cam kết không được đỡ đẻ nữa, nếu ai nhờ thì phải báo ngay với y tế thôn, buôn. Cả 3 mụ vườn đều ký cam kết. Thế nhưng, theo y sĩ Y Buốt Byă, thì việc này chẳng có ý nghĩa gì. Trong buôn có người nhờ đỡ đẻ họ vẫn làm. Vì vậy, ngành y tế nên nghiên cứu có thể cung cấp cho “mụ vườn” các túi đẻ sạch, hướng dẫn họ các kiến thức cần thiết khi đỡ đẻ nếu không kịp đưa thai phụ đến trạm y tế. 

Uốn ván sơ sinh là bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu các bà mẹ thực hiện tiêm phòng uốn ván sơ sinh. Tuy nhiên, hiện có khoảng 10% phụ nữ trên địa bàn tỉnh không tiêm phòng uốn ván trong độ tuổi sinh sản và vẫn sinh đẻ tại nhà, nương rẫy trong điều kiện dễ bị nhiễm trùng uốn ván. Không chỉ ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, ngay tại trung tâm các huyện, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thai phụ thực hiện tiêm phòng uốn ván cũng không đạt dẫn đến thực tế đáng lo ngại về nguy cơ tai biến sản khoa cao. 

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.