Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa các tật khúc xạ

09:07, 01/12/2017

Tật khúc xạ thường xuất hiện ở lứa tuổi đi học, nhiều nhất là cận thị, chiếm khoảng hơn 80%. Cũng có một số ít trường hợp bị tật khúc xạ ở tuổi rất nhỏ, hoặc ở tuổi trưởng thành sau những lần thay đổi lớn về sức khỏe như thai sản, chấn thương, bệnh lý nội khoa…

Tật khúc xạ có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như: Tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem ti vi, sử dụng máy tính không hợp lý... Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Thơm (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) cho biết: Các tật khúc xạ thường gặp ở lứa tuổi học sinh gồm cận thị, viễn thị, loạn thị. Triệu chứng chính của tật khúc xạ là nhìn không rõ, ngồi ở cuối lớp không thấy bài trên bảng để chép, các em thường nheo mắt lại, nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ, hoặc tiến đến ngồi gần máy khi xem ti vi, đôi khi hoa mắt, chói mắt, chảy nước mắt.

Thường xuyên xem tivi trong nhiều giờ, xem sát màn hình máy tính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc các tật khúc xạ.
Thường xuyên xem tivi trong nhiều giờ, xem sát màn hình máy tính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc các tật khúc xạ.

Hiện nay, một số phụ huynh tự ý đi mua kính hoặc đến cơ sở không có chuyên khoa, cắt kính không phù hợp khi phát hiện con bị tật khúc xạ. Việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt của trẻ. Như trường hợp cháu Hồ Mạnh Hùng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) hay chảy nước mắt, mắt chớp liên tục khi xem máy tính. Phát hiện tình trạng này, mẹ cháu Hùng cho rằng con mình có dấu hiệu đau mắt đỏ nên tự ý đi mua thuốc về nhỏ mắt cho con, mua kính có tròng đen cho con đeo. Sau một thời gian không thấy con đỡ đau, mắt của Hùng lại có biểu hiện nhìn mờ, chị Phương mới cho con đi khám mắt và được bác sĩ cho biết con chị bị mắc tật loạn thị chứ không phải bị đau mắt đỏ như chị nghĩ.

Bác sĩ Thơm khuyến cáo, để bảo vệ đôi mắt của trẻ, cần phát hiện sớm những bệnh về mắt có liên quan đến tật khúc xạ. Khi thấy con có những biểu hiện như nhìn xa thì mờ, phải nheo mắt hay nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, nhìn mờ khi chiều tối, trẻ hay dụi mắt, phụ huynh hãy đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa khám để phát hiện tật khúc xạ. Nếu tật khúc xạ được phát hiện sớm, các bác sĩ sẽ chỉnh tật cho trẻ và mắt trẻ có thể khôi phục như bình thường.

Để phòng ngừa mắc các tật khúc xạ, cần hạn chế thời gian xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính; không nên ngồi quá gần hay quá xa màn hình; không đọc sách, truyện có chữ và hình ảnh không rõ, hoặc khi đang di chuyển bằng xe máy, ô tô. Bên cạnh đó, cần bố trí bàn ghế ngồi học phù hợp với từng lứa tuổi, phòng học đủ ánh sáng, bố trí thời gian học tập hợp lý; ngồi học đúng tư thế, không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể; cho trẻ ngủ đủ từ 8 - 10 giờ một ngày. Nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt. Ở trên lớp, đối với những học sinh có thị lực giảm, giáo viên cần bố trí chỗ ngồi phù hợp, khi đã mang kính nên được đo thị lực định kỳ để điều chỉnh kính cho phù hợp.   

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.