Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm: Cần nâng cao ý thức của người dân

08:15, 23/01/2018

Thời gian qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, để hạn chế ngộ độc thực phẩm, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, cần có sự góp sức từ mỗi người dân.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm (tại TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ) làm 89 người mắc, trong đó có 88 người phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm này là do vi sinh vật, thực phẩm biến chất và hóa chất bảo vệ thực vật. So với năm 2016, tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm cả về số vụ (giảm 4 vụ) và số người mắc (giảm 65 người).

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
 

"Người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, lưu ý hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng; bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm. Ngoài ra, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần ngừng sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn. Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý điều trị kịp thời khi có các triệu chứng: buồn nôn và nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần…" - 

 
 
Bác sĩ Lê Thị Châu

Mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng giảm, đồng thời các cấp, các ngành đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ATVSTP, song thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm: vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm vi phạm quy định về ATVSTP, tạo điều kiện để vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng có hại phát triển, dễ xâm nhập vào thức ăn dẫn đến ngộ độc; nhiều hàng, quán bán thức ăn đường phố chưa bảo đảm ATTP; tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn vẫn còn tình trạng các hộ dân tự nấu cỗ phục vụ đám cưới, đám tang trong khi cơ sở vật chất không bảo đảm, người tham gia chế biến thực phẩm không được trang bị đầy đủ kiến thức ATVSTP. Đặc biệt, nhận thức của không ít người dân về vấn đề ATVSTP còn hạn chế, không tuân thủ những quy định trong bảo quản, chế biến thức ăn.

Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhất là các chợ đầu mối còn nhiều khó khăn, bất cập. Kết quả công tác tổ chức giám sát mối nguy an toàn thực phẩm tại một số chợ trên địa bàn hằng năm của Chi cục ATVSTP tỉnh cho thấy tình trạng ô nhiễm thực phẩm còn diễn ra khá phổ biến. Chỉ tính riêng năm 2017, cơ quan này đã thực hiện 2 đợt giám sát mối nguy ATTP với 119 mẫu thực phẩm được giám sát, trong đó có 49 mẫu không đạt yêu cầu về ATVSTP, chiếm 41,2%. Bên cạnh đó, theo kết quả thanh tra, kiểm tra tại 10.451 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh do các ngành chức năng thực hiện trong năm 2017, có tới 2.596 cơ sở không đạt yêu cầu về ATVSTP. Tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh còn xảy ra tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bác sĩ Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Tiềm ẩn của những mối nguy liên quan đến an toàn thực phẩm cũng bắt nguồn từ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chẳng hạn như trái cây ngâm tẩm hóa chất, hàng hóa không nhãn mác, không công bố chất lượng sản phẩm… Để hạn chế các nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra, hằng năm, Chi cục ATVSTP đã triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm ATTP lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay một thách thức không nhỏ đối với công tác ATTP là tỉnh ta có địa bàn rộng, trong khi nguồn nhân lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là ở tuyến xã, phường lại chưa đủ mạnh, việc xử lý vi phạm còn nương nhẹ. Do đó, hàng hóa thực phẩm sắp hết hạn hoặc hết hạn sử dụng vẫn được tuồn về vùng sâu vùng xa bán cho người dân.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại chợ Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại chợ Buôn Ma Thuột.

Có thể thấy, những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra là ngộ độc cấp tính có thể thống kê được, nhưng ngộ độc mạn tính dẫn đến các bệnh mạn tính liên quan đến đường tiêu hóa do ăn thực phẩm bị ô nhiễm thì chưa có một thống kê cụ thể nào. Do đó, để bảo đảm ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, điều quan trọng nhất là mỗi người dân, mỗi gia đình cần nêu cao ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.