Multimedia Đọc Báo in

Tăng huyết áp – "kẻ giết người thầm lặng"

05:58, 28/01/2018

Bệnh tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì đây là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận. Song trên thực tế, việc kiểm soát căn bệnh này chưa được nhiều người chú trọng.

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Theo Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam, trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp, tương đương 12 triệu người. Mặc dù là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng tỷ lệ người biết và có ý thức phòng tránh căn bệnh này còn thấp. Cụ thể là trong số 12 triệu người mắc bệnh có tới hơn một nửa chưa được phát hiện và trên 80% số người chưa được điều trị.

Điển hình như trường hợp của ông Phùng Văn Ba (56 tuổi, ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo). Ông phát hiện mình bị tăng huyết áp vào năm 2010 trong một lần đi thăm nuôi người nhà bị bệnh. Song thấy cơ thể không có triệu chứng gì đặc biệt nên ông đã trì hoãn việc điều trị. Năm năm sau, vào một buổi sáng, ông Ba bỗng thấy chóng mặt, đau đầu, đi không vững. Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não do biến chứng của bệnh tăng huyết áp. Tuy giữ được tính mạng nhưng di chứng để lại là ông bị liệt nửa người bên trái. Từ đó đến nay, ông Ba thường xuyên phải điều trị, tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Người ở tuổi trung niên nên đo huyết áp thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh tăng huyết áp.   Ảnh: Q. Nhật
Người ở tuổi trung niên nên đo huyết áp thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh tăng huyết áp. Ảnh: Q. Nhật

Theo báo cáo của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, năm 2016, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho gần 400 bệnh nhân tăng huyết áp. Năm 2017, số bệnh nhân đã tăng gần gấp ba lần, với hơn 1.000 trường hợp. Bác sĩ Đỗ Văn Khải (khoa Châm cứu dưỡng sinh) cho biết, triệu chứng điển hình nhất của bệnh tăng huyết áp là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau nhói tim… Tuy nhiên, ở nhiều người, các biểu hiện này không rõ rệt nên họ thường bỏ qua. Nếu người bệnh không đi khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể như não, tim, thận, mắt… Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp bị biến chứng ở não, điển hình là tai biến mạch máu não. Hậu quả của căn bệnh này vô cùng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao, phần lớn bệnh nhân được cứu sống đều để lại di chứng như liệt, méo miệng, nói ngọng.

Huyết áp được biểu thị bằng một phân số mà tử số là áp lực tâm thu, mẫu số là áp lực tâm trương, đơn vị áp lực là milimet thủy ngân (mmHg). Theo đó, huyết áp bằng hoặc dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường. Huyết áp bằng hoặc trên 140/90 mmHg được coi là tăng huyết áp.

Bác sĩ Khải cũng lưu ý bệnh nhân tăng huyết áp khi đã điều trị phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, nếu tự ý bỏ thuốc cũng có nguy cơ gặp phải các biến chứng.

Để phòng tránh và kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, mọi người cần có một lối sống lành mạnh. Trong chế độ ăn, nên hạn chế ăn mặn, chỉ nên ăn 5g muối/ngày, tương đương một thìa cà phê; ít ăn thức ăn nhiều chất béo, thức ăn chế biến sẵn như mỡ, nội tạng động vật, dưa cà muối, thịt nguội, xúc xích…; hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá, thuốc lào; nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Bên cạnh đó, cần duy trì cân nặng hợp lý, không để béo phì; ở người trưởng thành, với nam, vòng eo nên nhỏ hơn 90 cm và dưới 80 cm đối với nữ.  Cần luyện tập thể dục thể thao đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng. Đo huyết áp thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.