Multimedia Đọc Báo in

Bệnh lao đa kháng thuốc: Khó chữa, tỷ lệ tử vong cao

07:00, 24/03/2018

Nếu như bệnh lao thông thường có tỷ lệ điều trị thành công trên 90% thì lao kháng đa thuốc chỉ có thể đạt tới 60%. Căn bệnh này đang có xu hướng tăng lên và là thách thức lớn trong công tác phòng chống lao. Việt Nam hiện đang đứng thứ 15/30 quốc gia có tỷ lệ lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Bệnh lao kháng đa thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại với từ hai loại thuốc điều trị trở lên, thường xảy ra trên bệnh nhân lao tái phát. Theo báo cáo của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, từ năm 2015 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc ngày càng tăng lên. Cụ thể, năm 2015 có 20 trường hợp, năm 2016 là 25 trường hợp và năm 2017 là 30 trường hợp. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, hầu hết bệnh lao kháng đa thuốc xảy ra trên bệnh nhân lao tái phát. Nguyên nhân chính là do người bệnh không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc, uống thuốc không đúng giờ, không đủ liều và không theo đúng thời gian quy định, dẫn đến bệnh tái phát nhiều lần. Lâu dần, vi khuẩn lao sẽ kháng lại thuốc đang điều trị.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh thăm khám cho người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh thăm khám cho người bệnh.

 

Một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh lao đa kháng thuốc tăng qua các năm đó là hiện bệnh lao vẫn còn chịu sự kỳ thị của cộng đồng, bệnh nhân lao thường mặc cảm, giấu bệnh, không đi khám và tự mua thuốc về điều trị. Khi cơ thể quá suy kiệt mới nhập viện. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị, đặc biệt dễ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc.

So với điều trị bệnh lao thông thường, điều trị lao kháng đa thuốc khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Thứ nhất, chủng loại, số lượng thuốc tăng lên, tác dụng phụ của thuốc nhiều. Thứ hai, thời gian điều trị kéo dài, gấp 3 lần lao thông thường, trung bình khoảng 20 tháng, khiến cơ thể bệnh nhân dễ bị suy kiệt. Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ cho biết: “Vì những khó khăn này mà nhiều bệnh nhân bỏ dở quá trình điều trị, đặc biệt là bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Hậu quả là ngoài nguy cơ tử vong cao, những bệnh nhân này còn là nguồn lây lan vi khuẩn lao rất mạnh trong cộng đồng. Những người bình thường không may nhiễm bệnh từ họ có thể nhiễm lao kháng đa thuốc ngay từ ban đầu”.

Để điều trị bệnh lao thành công, tránh nguy cơ mắc lao đa kháng thuốc, bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ lưu ý người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của thầy thuốc: điều trị đúng phác đồ; uống thuốc đủ liều, đúng giờ; đúng lộ trình thời gian quy định (đối với bệnh nhân lao thông thường là 6 tháng, bệnh nhân lao tái phát là 8 tháng và bệnh nhân lao kháng đa thuốc là 20-24 tháng). Trong quá trình điều trị, người bệnh không được hút thuốc lá, uống bia rượu, lao động quá sức.

Ngoài ra, khi có các dấu hiệu nghi mắc lao như: ho kéo dài trên 2 tuần, ho ra máu, hay sốt nhẹ về chiều, cơ thể mệt mỏi, sút cân… cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, không được tự ý mua thuốc điều trị.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.