Multimedia Đọc Báo in

Điều trị sớm lao xương khớp để ngăn ngừa nguy cơ tàn phế

06:30, 03/03/2018

Lao xương khớp là tình trạng nhiễm khuẩn, viêm các khớp xương do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh có những biểu hiện không rõ ràng, đau âm ỉ, kéo dài, đau nhức trong các xương khớp khiến người bệnh nhầm lẫn, chủ quan tự ý chữa trị, không đến cơ sở y tế sớm dẫn đến mất cơ hội được chẩn đoán đúng và điều trị bệnh ngay trong giai đoạn đầu.

Theo bác sĩ H’Châu Êban, Trưởng khoa Lao (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh), dù lao xương khớp là căn bệnh không mới nhưng mọi người ít lưu ý đến căn bệnh này. Năm 2017, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh đã điều trị cho 7 bệnh nhân bị lao xương khớp trong tình trạng bệnh nặng. Những bệnh nhân này đều đã qua điều trị về bệnh xương khớp, thường châm cứu hoặc tự mua thuốc về điều trị song càng chữa trị bệnh càng không khỏi, thậm chí, có người hai chân bị tê liệt đến lúc không thể đi nổi mới đến các cơ sở y tế để thăm khám. Trường hợp cháu H’Ly Xiê Ban (8 tuổi, ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh là một ví dụ. Trước đó, hai chân của H’Ly Xiê Ban bị đau nhức, sưng to, không đi đứng được. Gia đình H’Ly đã đưa cháu đi khám và làm các xét nghiệm tại các bệnh viện trong tỉnh song H’Ly được chẩn đoán bị thiếu canxi, viêm tủy xương. Uống thuốc một thời gian dài không khỏi, chân càng đau hơn, bên trong bị cương mủ, có dấu hiệu bị hủy xương, H’Ly được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) và được chẩn đoán bị lao xương khớp chân. Ở thời điểm phát hiện lao xương, chân của H’Ly đã bị liệt, teo cơ chân.

Cũng bị lao xương khớp nhưng lúc đầu ông Lương Văn Quang (68 tuổi, ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng) vẫn nghĩ rằng mình mắc các triệu chứng của người già. Ông nói: “Lúc đầu tôi bị đau lưng nên thường tự mua thuốc về uống, uống khoảng 3 tháng không khỏi tôi chuyển sang châm cứu. Điều trị gần 6 tháng mà bệnh không hề giảm, nhiều lúc đau quá chịu không nổi tôi mua thuốc giảm đau về uống. Đến khi đi lại không được, người lúc nào cũng mệt mỏi nên tôi vào Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP. Hồ Chí Minh khám thì phát hiện bị mắc bệnh lao xương khớp”. 

Một bệnh nhân bị lao xương khớp đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đắk Lắk.
Một bệnh nhân bị lao xương khớp đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đắk Lắk.

Theo các chuyên gia y tế, lao xương khớp được đánh giá là bệnh lao nguy hiểm hàng đầu bởi lứa tuổi mắc bệnh thường từ 16 – 45 tuổi. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ chưa được tiêm phòng vắcxin lao; có tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với người mắc bệnh lao, người đã và đang điều trị lao xơ nhiễm, lao phổi hay một lao ngoài phổi khác; người đang mắc một số bệnh, như: đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, cơ thể suy giảm miễn dịch, còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS, suy kiệt nặng… Biểu hiện của bệnh lao xương khớp là khi bị vi khuẩn lao tấn công, xương khớp tại đó sẽ sưng to nhưng không nóng đỏ như bệnh viêm khớp cấp tính. Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu nhiễm trùng, sốt dai dẳng ở mức độ vừa và nhẹ, sốt về chiều, cơ thể mệt mỏi, kém ăn, hay đổ mồ hôi và đau cơ xương khớp…

Để chẩn đoán đúng bệnh lao xương khớp, người bệnh sẽ được chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp MRI, còn nếu chụp X-quang bình thường khó phát hiện ra bệnh lao xương. Bác sĩ H’Châu Êban cũng cho hay: hiện ở tỉnh ta, chỉ một số ca bị lao xương ở giai đoạn muộn, được chụp X-quang, CT hoặc MRI và phát hiện có những ổ áp xe gần xương bị rò mủ, sau đó các bác sĩ chọc lấy mủ làm xét nghiệm thì mới chẩn đoán được bệnh lao xương. Còn với những bệnh nhân mắc bệnh lao xương ở giai đoạn đầu hầu như khó phát hiện và bệnh nhân đều chuyển lên tuyến trên. Vì vậy, khi có các dấu hiệu như trên, người bệnh cần đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể. Tùy từng thể bệnh, bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp chữa trị thích hợp. Bệnh lao xương khớp nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, tuân thủ đúng phác đồ, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn trong khoảng 10 tháng đến 1 năm.

Để hạn chế thấp nhất mắc bệnh lao xương, nên tránh tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi (bệnh này lây qua đường hô hấp), hoặc khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế; tăng cường các chất đạm, rau xanh trong các bữa ăn hằng ngày; nên hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp, thực phẩm quá ngọt, quá béo và không nên ăn thực phẩm chế biến quá mặn vì cơ thể không hấp thu các chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp; nên có chế độ làm việc kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, tránh cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến suy nhược cơ thể; tăng cường rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao tính dẻo dai của hệ thống cơ xương khớp và đặc biệt nên tiêm phòng lao cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.