Multimedia Đọc Báo in

Mua thuốc cho con phải trình chứng minh nhân dân: Liệu có khả thi?

09:29, 12/03/2018

Thực hiện Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế, kể từ ngày 1-3-2018, cha mẹ hoặc người giám hộ phải cung cấp tên, tuổi, số chứng minh nhân dân (CMND) khi mua thuốc theo đơn ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu thực hiện, quy định này đã phát sinh nhiều điểm bất hợp lý.

Theo quan điểm của Bộ Y tế, quy định mới này nhằm có sự theo dõi về quá trình sử dụng thuốc, bảo đảm an toàn, quyền lợi cho bệnh nhi. Việc yêu cầu có CMND (hoặc thẻ căn cước) của người giám hộ là để người đưa trẻ đi khám bệnh chịu trách nhiệm thông tin cho bệnh nhi, bởi trẻ dưới 72 tháng tuổi chưa thể diễn đạt tình trạng sức khỏe đầy đủ và chưa thể tự dùng thuốc như kê đơn.

Khám bệnh cho trẻ nhỏ tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khám bệnh cho trẻ nhỏ tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết, thực hiện quy định của Bộ Y tế, Sở đã triển khai những nội dung mới về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ngay trước thời điểm Thông tư có hiệu lực (1-3), trong đó có quy định ghi số CMND của cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ trong đơn thuốc ngoại trú. Hiện tại, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đều đã áp dụng quy định này.

Khoản 3, Điều 6, Thông tư số 52/2017/TT-BYT yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc: “Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ”.

Quy định đã được áp dụng, song nó có thực sự tạo được hiệu quả như mục tiêu hướng đến hay không lại là điều đáng bàn. Nhìn nhận trên thực tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh, quy định ghi CMND vào đơn thuốc ngoại trú lại làm phát sinh thêm không ít tình huống “dở khóc, dở cười”. Một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Những ngày vừa qua, khi tiếp nhận bệnh nhi, chúng tôi đều hỏi người thân của trẻ về CMND, ai có thì ghi đầy đủ thông tin, ai không có chúng tôi cũng vẫn khám bệnh, kê đơn thuốc kịp thời và hướng dẫn họ về quy định mới chứ không để xảy ra tình trạng trẻ không được kê đơn thuốc vì cha mẹ không mang CMND. Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh, hoặc người giám hộ của trẻ không mang theo CMND khi đưa trẻ đi khám chữa bệnh. Nếu chờ họ bổ sung được số CMND để kê đơn thuốc thì sẽ mất nhiều thời gian của bác sĩ và các bệnh nhân khác phải chờ đợi”. Còn một bác sĩ khác lại cho rằng: “Quả thực việc kê khai thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng là nhằm xác nhận được đảm bảo an toàn cho trẻ khi bị bệnh, nhất là những trẻ có sử dụng thuốc kháng sinh. Thế nhưng, khi trẻ dưới 72 tháng tuổi đến bệnh viện, ngoài cha, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng còn phải xuất trình thẻ BHYT, giấy khai sinh thì việc cung cấp thêm số CMND của cha, mẹ có thực sự cần thiết hay không?!”.

Một bệnh nhi điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Một bệnh nhi điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Việc ghi thêm số CMND người giám hộ của trẻ khi kê đơn thuốc ngoại trú không chỉ thêm việc cho thầy thuốc khi khám chữa bệnh, mà cũng làm cho nhiều bậc phụ huynh thấy phiền toái. Chị P. (tổ dân phố 3A, phường  Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Tôi thấy việc ghi CMND của cha mẹ vào đơn thuốc của con chỉ là thêm thủ tục hành chính rườm rà chứ cũng chẳng giải quyết được gì, bởi rõ ràng bác sĩ ghi CMND vào đơn thuốc nhưng cuối cùng đơn thuốc đó lại là phía bệnh nhân giữ”. Hay như lời chị Y. (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) thì: “Tôi thường xuyên đi làm xa, khi con tôi bị bệnh thường do ông bà hoặc dì đưa đi khám bệnh, nếu không có CMND của vợ chồng tôi, chẳng lẽ con tôi không được khám bệnh, kê đơn thuốc”.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.