Multimedia Đọc Báo in

Nắng nóng, gia tăng trẻ nhập viện vì bệnh đường tiêu hóa

10:58, 19/03/2018

Những ngày này, thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kèm theo gió lạnh vào buổi sáng và đêm khiến số trẻ nhập viện liên quan đến bệnh đường tiêu hóa tăng cao.

Liên tục có bệnh nhân nhập viện

Bé trai V.H.D. (9 tháng tuổi, ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) bị sốt cao và liên tục đi ngoài phân lỏng được mẹ đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh và được xác định là bị tiêu chảy cấp, mất nước nhiều, phải nhập viện để truyền dịch bù nước, bù chất điện giải. Sau 5 ngày điều trị, hiện tại cháu đã cắt sốt, ngừng đi phân lỏng, sức khỏe đang dần bình phục.

Tương tự, bé Đ.T.B.N. (7 tháng tuổi, ở thôn Thanh Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) theo ba lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chăm mẹ bị ốm. Một ngày sau, bé có dấu hiệu bị sốt, sau đó liên tục nôn ói, đi ngoài phân lỏng. Bé N. được bác sĩ thăm khám và chỉ định nhập viện vào Khoa Nhi tổng hợp với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Ba của bé chia sẻ: “Qua 3 ngày được điều trị tích cực, đến nay tình trạng bệnh của cháu đã đỡ nhiều, ăn vào không còn nôn ói, số lần đi ngoài trong ngày cũng giảm bớt, nhưng bác sĩ nói cần tiếp tục theo dõi điều trị thêm vài ngày nữa”. 

Trẻ bị bệnh tiêu chảy điều trị tại khu vực bệnh truyền nhiễm, Khoa Nhi tổng hợp,  Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trẻ bị bệnh tiêu chảy điều trị tại khu vực bệnh truyền nhiễm, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo ghi nhận, khu điều trị bệnh truyền nhiễm, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mấy ngày qua lúc nào cũng chật kín bệnh nhân, mặc dù giường bệnh đã được kê san sát, nhưng mỗi giường đều có từ 2-3 trẻ nằm điều trị. Bác sĩ Lê Thị Bích Phượng cho biết, hiện tại mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 15-20 ca bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Khi lượng bệnh tăng đột biến, trong quá trình điều trị, các y bác sĩ của khoa cũng lồng ghép việc tuyên truyền cho người nhà của các bé thực hiện tốt vấn đề vệ sinh, xử lý phân, rác thải và nguồn nước để phòng ngừa lây truyền chéo trong bệnh viện; đồng thời thực hiện cho trẻ ăn chín uống sôi, rửa sạch tay và đồ chơi bằng xà phòng diệt khuẩn nhằm hỗ trợ công tác điều trị giúp trẻ mau khỏi bệnh.

Tăng cường phòng bệnh

Tiêu chảy là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt bệnh xảy ra nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi và nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng cao điểm thường là các thời điểm giao mùa, chẳng hạn từ mùa lạnh sang mùa nóng như hiện nay, bởi thời tiết nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng gây bệnh tiêu hóa phát triển nhanh. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy thường do thói quen mút tay, ngậm đồ chơi hoặc thay đổi chế độ từ bú sữa sang ăn dặm. Đối với trẻ trong độ tuổi đi học thường bị tiêu chảy vì nhiễm trùng đường ruột do thức ăn nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh. Bệnh tiêu chảy phân thành 3 loại: tiêu chảy cấp là những trường hợp tiêu chảy dưới 14 ngày; tiêu chảy mãn ở những trường hợp tiêu chảy trên 14 ngày và tiêu chảy có máu. Dựa vào phân loại này mà triệu chứng lâm sàng, điều trị, theo dõi khác nhau. Vì thế, trong trường hợp trẻ có biểu hiện của bệnh tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng trên 3 lần trong ngày, kèm theo sốt, ói thì phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám, phân loại và điều trị, tránh xảy ra tình trạng trẻ bị mất nước nặng, rối loạn điện giải dẫn đến các biến chứng như: sốc, giảm kali gây mệt mỏi, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, giảm mạch, co giật, hôn mê…

 

Theo bác sĩ Lê Thị Bích Phượng, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong số 60 bệnh nhi đang điều trị ở khu vực bệnh truyền nhiễm thì có trên 50% mắc các bệnh về tiêu hóa. Các ca bệnh vào viện phần nhiều là trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt nhiều ca mất nước nặng phải truyền dịch liên tục.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cũng khuyến cáo: Để phòng bệnh tiêu chảy, các bậc phụ huynh nên chú ý tạo miễn dịch tốt cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ; sử dụng vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ (vắc xin phòng Rota vi rút uống lúc trẻ 2 tháng tuổi); không cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh; thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa các vật dụng đựng thức ăn cho trẻ kỹ càng. Đồng thời, phụ huynh cũng cần rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn; vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ bằng dung dịch diệt khuẩn. Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn thức ăn phù hợp với độ tuổi và không nên cho ăn dặm quá sớm.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.