Multimedia Đọc Báo in

Những căn bệnh tiến hóa nhanh hơn cả thuốc chữa bệnh

07:43, 11/03/2018
Nhiều loại sinh vật gây bệnh đang ngày càng biến đổi, chống lại các loại thuốc, vắc-xin, phương pháp điều trị lẫn hệ miễn dịch của con người.

Ung thư

Ung thư là căn bệnh nan y hiện con người vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị. Ung thư cũng được biết đến là căn bệnh có mức độ tiến hóa và biến đổi rất sớm, từ đầu những năm 70 ở thế kỷ trước. Biến đổi khiến ung thư trở nên kháng thuốc, khử mọi loại thuốc khỏi cơ thể và tự “sửa chữa” các tế bào đã bị tổn thương do thuốc gây ra. Các nhà nghiên cứu tin rằng, đột biến ung thư được gây ra bởi các tế bào ung thư không bị phá hủy trong quá trình điều trị.

Một dạng ung thư đột biến từng được nhắc đến nhiều là ung thư tuyến tiền liệt, dạng ung thư này rất cần đến testosterone (hormone nam giới) để phát triển. Một phương pháp điều trị là để cơ thể đói testosterone nhưng phương pháp này sớm trở nên vô hiệu khi các tế bào ung thư “học” được cách sử dụng các phân tử khác thay cho testosterone. Khi tình thế này xảy ra, nó tạo ra một dạng ung thư tuyến tiền liệt rất nguy hiểm là ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn kháng castrate (CRPC) dễ làm cho người bệnh tử vong.

Bệnh lao đang phát triển những dạng đột biến có thể kháng lại những loại thuốc mạnh nhất hiện nay. (Ảnh  minh họa)
Bệnh lao đang phát triển những dạng đột biến có thể kháng lại những loại thuốc mạnh nhất hiện nay. (Ảnh minh họa)

Ung thư phổi và đại trực tràng cũng là nhóm có khả năng biến đổi cao. Tế bào của chúng trở nên kháng thuốc xạ trị và phác đồ hoá trị liệu, khiến khó có thể chữa khỏi. Một phương pháp được đề xuất để chữa các loại ung thư đột biến là dùng "liệu pháp cá thể", đây là phương pháp điều trị mang tính cá nhân. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng tối ưu, nó vẫn còn tồn tại những sai sót mà người ta chưa có điều kiện hiểu hết. Một trong những loại thuốc đầu tiên được tạo ra cho "liệu pháp cá thể" là Herceptin, gắn vào protein HER2 để tiêu diệt các tế bào ung thư vú. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư đã đột biến và bắt đầu phá hủy các phần khác của protein HER2 mà Herceptin gắn vào. Hầu hết thời gian dùng thuốc, cơ thể hưởng ứng bằng cách tạo ra các tế bào HER3, điều này làm phức tạp thêm vấn đề vì Herceptin không thể gắn được vào HER3.

Bệnh lao

Lao là căn bệnh đang trải qua một đột biến nghiêm trọng, hai dạng bệnh lao mới đã được y học xác định là bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB) và lao kháng thuốc lan rộng (XDR-TB). MDR-TB kháng isoniazid và rifampicin, hai loại thuốc mạnh nhất được sử dụng trong điều trị bệnh lao. Trong khi đó, XDR-TB, một phiên bản mạnh hơn của MDR-TB, kháng isoniazid, rifampicin, và một số loại thuốc khác.

Khoảng 580.000 trường hợp MDR-TB được báo cáo vào năm 2015, trong số này, có 55.100 (9,5%) trường hợp là XDR-TB. XDR-TB đã được báo cáo xuất hiện ở 117 quốc gia, có nghĩa nó đang dần dần trở thành vấn đề toàn cầu. Người ta cho rằng, sở dĩ bệnh lao trở nên kháng thuốc là do người bệnh không bảo quản thuốc hoặc dùng thuốc không đúng cách. Bệnh lao được điều trị bằng phác đồ 6 tháng không được gián đoạn. Bất kỳ hình thức gián đoạn nào đều có thể dẫn đến tình trạng tăng bệnh và làm cho bệnh lao kháng thuốc.

Bệnh giang mai

Giang mai (Syphilis) còn được gọi là "người bắt chước vĩ đại" vì các triệu chứng của nó thường giống với các bệnh khác. Bệnh lây lan qua tiếp xúc tình dục, cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn thai kỳ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy, Nichols và Street Strain 14 (SS14), hai dòng giang mai chính hiện đang biến đổi, kháng với kháng sinh thông thường như penicillin và macrolide thường được sử dụng để điều trị căn bệnh nói trên.

Đột biến này phổ biến hơn ở dòng SS14. Trong một phân tích, khoảng 90% mẫu SS14 kháng thuốc so với 25% dòng bệnh Nichols. Sự kháng thuốc mới này cho phép bệnh giang mai nhanh chóng hồi sinh trở lại. Theo báo cáo,  từ năm 2013, số ca mắc bệnh giang mai trên quy mô toàn cầu đã tăng tới 15% dù hiện vẫn đang trong giới hạn kiểm soát của hầu hết các loại kháng sinh hiện có. Tuy nhiên, nguy cơ kháng thuốc có thể hiện hữu nhanh hơn và mạnh hơn.

Bệnh dịch tả

Dịch tả (Cholera) là căn bệnh gây nên bởi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thường phát sinh tiêu chảy nhẹ, thậm chí người bệnh còn không biết mình mắc bệnh. Nếu trầm trọng, có thể khiến người bệnh mất nước, nôn mửa, tiêu chảy nặng và nguy cơ tử vong có thể diễn ra trong vòng vài giờ.

Haiti là quốc gia bị thiệt hại nặng nề do một cơn dịch tả khủng khiếp diễn ra 10 tháng sau trận động đất thảm khốc hồi tháng 1-2010. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự bùng phát dịch tả ở Haiti là do một biến thể có tên "đột biến El Tor" . Nó nguy hiểm hơn các chủng dịch tả thông thường và được so sánh có mức độ nguy hiểm không khác gì trận dịch diễn ra những năm 1800. “Đột biến El Tor” đã trải qua giai đoạn  biến đổi, cho phép nó bỏ qua hệ thống cảnh báo sớm của cơ thể và lần đầu tiên được y học phát hiện thấy vào năm 2000 ở Nepal.

Ebola

Hầu hết mọi người từng được nghe nói về Ebola xuất hiện ở vùng Tây Phi từ ngày 23-3-2014 đến ngày 13-1-2016. Đây là giai đoạn “càn quét” khủng khiếp nhất của Ebola. Nó cướp đi ít nhất 11.315 sinh mạng người, cao gấp 5 lần số thương vong trong tất cả các đợt dịch Ebola đã xảy ra kể từ lần đầu tiên năm 1976, mặc dù con số thực còn cao hơn nhiều. Hai nhóm chuyên gia về virus học khác nhau đã bắt tay vào nghiên cứu dịch này và phát hiện thấy, thiệt hại gây ra do Ebola trong giai đoạn nói trên là do một dòng đột biến mới từ virut Ebola nguyên thủy. Đột biến này được gọi là A82V, phát hiện thấy ở hơn 90% số ca nhiễm bệnh. Theo các nhà nghiên cứu, đột biến A82V đã bị chặn lại vì nó lây từ vật chủ phi con người, như dơi ăn trái cây sang cho con người .

HIV

Có hai loại HIV là HIV-1 và HIV-2. HIV-1 phổ biến nhất và được phân loại thành 4 phân nhóm M, N, O và P. Nhóm M là loại phổ biến nhất của tất cả các chủng HIV và được phân thành các phân nhóm nhỏ nữa là  A, B, C, D, F, G, H, J, và K. Tất cả các phân nhóm nhỏ này đều khác biệt về mặt di truyền và sẽ dễ dàng hợp nhất để hình thành các giống lai mới, gọi là các dạng tái tổ hợp tuần hoàn (CRF). Đến nay y học đã xác định được 89% các dạng HIV tái tổ hợp tuần hoàn CRF. Điều này có nghĩa, những người nhiễm HIV vẫn có nguy cơ tái nhiễm ở mọi dạng hoặc phân nhóm phụ. Khi bị nhiễm trùng, hai chủng HIV kết hợp và tạo ra một chủng mới có “sức đề kháng cao hơn”, gọi là nhiễm trùng kép, mặc dù đồng nhiễm trùng hay siêu nhiễm trùng cũng có thể xảy ra, tùy thuộc vào công cụ lan truyền, và tất các kiểu nhiễm trùng này đều rất nguy hiểm.

Tồi tệ hơn, các CRF lai này vẫn có khả năng hợp nhất với các dòng HIV khác để tạo ra những giống lai mới và nguy hiểm hơn. Một trong những CRF được xác định hiện đã có mặt tại Cuba, được đặt tên là CRF19. Nó được hình thành bởi sự kết hợp của các phân nhóm A, D và G của nhóm HIV-1. CRF19 có thể chuyển sang giai đoạn AIDS trong vòng chỉ 3 năm so với 10 - 15 năm như các dòng HIV thông thường.

Nguyễn Khắc (Dịch từ Listverse.com- 1/2018)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.