Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn bệnh dại: Phải chủ động phòng ngừa từ gốc

09:38, 10/04/2018

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất vì người bệnh có triệu chứng như chó dại nhưng tỉnh táo đến lúc chết. Bệnh này được Tổ chức Y tế thế giới xếp hạng gây tử vong thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm. Do đó, để ngăn chặn bệnh dại xảy ra, việc nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng bệnh là rất cần thiết.

100% trường hợp phát bệnh đều tử vong

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh dại và cả 2 trường hợp đều đã tử vong. Trước đó, năm 2017 toàn tỉnh cũng ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tất cả các trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại nói trên đều có nguyên nhân do bị chó, mèo cào, cắn. Đặc biệt, các trường hợp này đều không tiêm huyết thanh kháng dại cũng như vắc xin phòng dại sau khi bị chó, mèo cào, cắn.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây nên. Bệnh lây từ súc vật bị dại (chủ yếu là chó, mèo) sang người qua nước bọt ở vết cắn, vết xước hoặc vết liếm trên lớp da, niêm mạc bị tổn thương. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, xảy ra ở tất cả các tháng trong năm, nhưng thường bùng phát vào mùa hè do thời tiết nóng bức, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút dại phát triển. Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị khi bệnh dại đã bộc phát nên tỷ lệ tử vong là 100%. Vì vậy, khi bị chó, mèo nghi dại cắn, chỉ có cách tiêm vắc xin phòng dại sớm và đúng mới có thể cứu sống người bệnh.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nuôi trên địa bàn.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó nuôi trên địa bàn.

Báo cáo tổng kết tình hình bệnh dại năm 2017 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, năm 2017 cả nước có 74 trường hợp tử vong do bệnh dại, giảm 17 trường hợp so với năm 2016 (91 trường hợp). Riêng khu vực Tây Nguyên lại có số ca tử vong do dại tăng cao với 9 trường hợp, tăng 7 trường hợp so với năm 2016. Đặc biệt khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ chết do bệnh dại/100.000 dân cao nhất cả nước, nhưng lại có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại/100.000 dân thấp nhất trong 4 khu vực của cả nước.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy hiện nay ý thức phòng bệnh của người dân ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng chưa cao,  nhiều người còn thiếu kiến thức về bệnh dại, chưa chủ động đi tiêm phòng vắc xin khi bị chó, mèo cào, cắn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thậm chí, một số người còn cho rằng, tiêm vắc xin phòng dại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm sụt giảm trí nhớ nên dù biết mức độ nguy hiểm của bệnh vẫn không đi tiêm phòng.

Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết, hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang sử dụng huyết thanh kháng dại và 2 loại vắc xin phòng dại (Abhyrab và Verorab) để tiêm cho người dân. Đây là các loại vắc xin theo công nghệ mới, có ưu điểm là tính miễn dịch và an toàn cao; hầu như không kèm theo những biến chứng ở hệ thần kinh trung ương; các tác dụng phụ nhẹ tại chỗ tiêm và toàn thân như: đau tại chỗ tiêm, ngứa, sốt, chóng mặt đau đầu…cũng rất ít gặp. Đặc biệt, huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại luôn có sẵn tại phòng tiêm chủng của Trung tâm để phục vụ nhu cầu của người bệnh.

Phải phòng bệnh từ gốc

Cũng theo báo cáo tổng kết tình hình bệnh dại năm 2017 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nguồn truyền bệnh dại cho người ở nước ta được xác định chủ yếu là chó, mèo cắn, chiếm tới 97% (con số 3% còn lại là do dơi và một số động vật khác như chuột, khỉ truyền bệnh). Do đó, muốn ngăn ngừa bệnh dại lây sang người thì việc quản lý chặt chẽ, tăng cường tiêm phòng dại trên đàn chó được xem là giải pháp hữu hiệu.

Các chuyên gia Y tế khuyến cáo, nếu không may bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa lại bằng cồn 70% (hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương). Đồng thời, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm ngừa dại kịp thời. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cắn, cào tuyệt đối không dùng thuốc nam và không tự chữa bệnh dại tại nhà. 

Trong khi đó, tỷ lệ đàn chó nuôi được tiêm vắc xin phòng dại ở tỉnh ta còn thấp và tình trạng chó, mèo thả rông, không rọ mõm vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 nghìn con chó, mèo. Tuy nhiên, tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng chỉ chiếm khoảng 18%. Ngay ở địa bàn trung tâm như TP. Buôn Ma Thuột, tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo chỉ đạt cao tại các phường nội thành, nơi có nhiều hộ nuôi làm thú cưng (khoảng 80%). Còn tại các xã vùng ven, con số này thấp hơn nhiều (khoảng 60%), thậm chí tại một số thôn, buôn còn rất thấp.

Theo nhận định của Bộ Y tế, từ thói quen nuôi chó thả rông để giữ nhà mà không xích nhốt, sử dụng thịt chó nhiều, nếu không có sự đầu tư kinh phí hợp lý và kịp thời cho các hoạt động phòng chống bệnh dại như tập huấn, đào tạo, giám sát, tuyên truyền phòng chống bệnh dại sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh dại tăng nhanh và lan rộng. Vì thế, để ngăn ngừa bệnh dại lây từ động vật sang người, giảm thiểu số người bị chó cắn và tử vong do dại, hơn hết, mỗi gia đình, mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin phòng dại định kỳ cho chó, mèo nuôi và không thả chó, mèo chạy rông.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.