Multimedia Đọc Báo in

Nhận biết và xử trí chấn thương mắt

07:17, 14/04/2018

Chấn thương mắt, bỏng mắt thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, do tai nạn sinh hoạt, lao động, thể thao… đôi khi để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng cả về chức năng thị giác lẫn thẩm mỹ, thậm chí dẫn đến nguy cơ mù lòa nếu không được xử lý đúng và kịp thời.

Như trường hợp anh Đỗ Văn Giang (thợ mộc ở huyện Ea Kar) bị tổn thương mắt do một tình huống trong quá trình làm việc. Khi đục gỗ, anh đã bị mạt gỗ văng vào mắt. Cảm giác khó chịu, anh lấy ống tay áo lau chùi và dụi mắt. Tuy chùi rất lâu nhưng anh vẫn không thấy mắt đỡ, vẫn có biểu hiện cộm, khó chịu, khó mở mắt ra như bình thường. Đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt thì anh được chẩn đoán trong mắt có bụi, tròng mắt đỏ, rất may chưa bị rách giác mạc.

Người dân khám bệnh về mắt tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên. Ảnh: K.Oanh
Người dân khám bệnh về mắt tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên. Ảnh: K.Oanh

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Thơm (khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) khuyến cáo, khi  bị chấn thương mắt cần xử trí chấn thương mắt đúng cách để tránh làm mắt bị tổn thương nghiêm trọng. Với trường hợp bị bầm máu mi mắt, sưng phù, tụ máu quanh hốc mắt: Cần băng mắt và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Nếu vết thương ở mắt xuyên thủng có rách và chảy máu: Phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol… , tra nước mỡ kháng sinh và băng mắt lại sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa. Bị dị vật kết mạc, giác mạc (bụi, mạt sắt) thì không được dụi mắt để tránh dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy giác mạc, hãy chớp mắt nhiều lần trong nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài. Với vết bỏng mắt dù bị do bất cứ nguyên nhân gì cũng cần phải rửa mắt bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt (để mắt dưới vòi nước máy hoặc vục mắt vào thau nước lớn để rửa từ 5-10 phút); trong trường hợp bỏng vôi, cần lấy sạch vôi ra trước khi rửa mắt, sau đó đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Vết thương xuyên thủng mắt kèm dịch nhày nhớt, lẫn máu: băng mắt nhẹ và chuyển ngay đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt bắng nước và tuyệt đối không được lấy những vật lạ như đất, đá, cây cắm trong mắt ra.

Cũng theo các bác sĩ, điều trị chấn thương mắt vừa phức tạp vừa tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng kết quả thường không được như mong muốn. Vì vậy, để tránh các tai nạn đáng tiếc trong lao động sản xuất, cần tuân thủ chặt chẽ nội quy an toàn lao động như đeo kính, đội mũ, che mặt, mặc quần áo bảo hộ. Trong sinh hoạt hằng ngày cần thận trọng, cẩn thận. Đeo kính bảo hộ trong những công việc có thể nguy hiểm đến mắt như khoan tường, đóng đinh, lau chùi dọn dẹp nhà khi sử dụng các dung dịch có nồng độ axít cao…

                                                                Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.