Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh sâu răng cho trẻ

08:58, 29/06/2018

Sâu răng là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là giai đoạn răng sữa và bắt đầu thay răng, từ 6 - 12 tuổi. Sâu răng ở mức độ nặng khiến cho sức ăn nhai của trẻ kém, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và khả năng học tập. Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ tốt, tránh sâu răng không chỉ tăng cường sức khỏe của trẻ mà còn bảo đảm tính thẩm mỹ trên gương mặt.

Loài người có hai hệ răng là răng sữa và răng vĩnh viễn. Hệ thống răng sữa gồm 20 chiếc, bắt đầu mọc từ lúc trẻ được 6 tháng tuổi đến 2 tuổi. Hệ răng này sẽ tự rụng khi trẻ bước vào tuổi thứ 5 - 12 tuổi và sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Răng vĩnh viễn gồm 32 chiếc. Hệ răng này sẽ tồn tại cùng con người đến già, trừ những trường hợp răng hư, mất đi hoặc phải thay thế bằng răng giả.

Sâu răng là tình trạng răng tiếp xúc với vi khuẩn, bị vi khuẩn tấn công gây nên những tổn thương trên bề mặt răng hoặc cấu trúc bên trong. Theo bác sĩ Trần Văn Thông, Phó trưởng Khoa Y học lâm sàng (Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk), có tới hơn 90% trẻ em dưới 12 tuổi bị sâu răng. Căn bệnh này có nhiều nguyên nhân; trong đó có 3 nguyên nhân chính gồm: chất lượng răng, vi khuẩn và thực phẩm. Trong đó, yếu tố thực phẩm là nguyên nhân chủ yếu gây ra sâu răng, đặc biệt là thực phẩm tinh bột và thức ăn chứa đường.

Bác sĩ Trần Văn Thông khám răng cho trẻ em.
Bác sĩ Trần Văn Thông khám răng cho trẻ em.

Trong khoang miệng hay đường hô hấp nói chung có tồn tại một lượng vi khuẩn nhất định, trong đó có một loại vi khuẩn gây sâu răng nhiều nhất, có tên gọi là Streptococcus mutans. Loại vi khuẩn này rất dễ lên men, đặc biệt khi tiếp xúc với thức ăn có đường, nó sẽ tạo thành axit tấn công và phá hủy men răng. Đặc biệt ở trẻ em, nhất là giai đoạn răng sữa, men răng có đặc điểm là mềm nên khả năng sâu răng rất cao.

Bệnh sâu răng có hai thể là sâu men và sâu ngà. Đối với sâu men thì trẻ chưa có dấu hiệu đau nhưng nhìn bằng mắt thường sẽ thấy trên bề mặt răng có đốm nâu đen hoặc trắng đục. Lúc này nếu chăm sóc răng không tốt sẽ tiến triển sang giai đoạn thứ hai là sâu ngà. Trẻ sẽ thấy đau răng khi nhai và ê buốt khi ăn thức ăn có vị chua, quá nóng hay quá lạnh.

Đối với răng sâu ở mức độ nhẹ, phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay là trám răng (còn gọi là hàn răng). Kỹ thuật này giúp vá lại những lỗ sâu trên bề mặt răng, ngăn chặn dứt điểm tình trạng sâu răng.

Hướng dẫn chải răng đúng cách cho trẻ em.
Hướng dẫn chải răng đúng cách cho trẻ em.

Bác sĩ Trần Văn Thông cho biết, hiện nay nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng răng sữa chỉ là răng tạm thời và sẽ bị thay thế nên không mấy quan tâm đến việc chăm sóc răng cho trẻ ở giai đoạn này. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi trong quá trình răng sữa tồn tại trên cung hàm, các mầm răng vĩnh viễn sẽ phát triển trong xương hàm tương ứng ở vị trí các chân răng sữa, khi các mầm răng vĩnh viễn phát triển, chân răng sữa sẽ bị tiêu đi, biểu hiện là răng lung lay và được nhổ bỏ. Tại vị trí đó, răng vĩnh viễn sẽ mọc lên để thay thế. Răng sữa nếu bị sâu nghiêm trọng có thể bị nhổ sớm trong khi răng vĩnh viễn thay thế chưa mọc, khoảng trống bị nhổ đó khiến răng vĩnh viễn mọc lệch hoặc chen chúc, mất tính thẩm mỹ.

Muốn trẻ có một hàm răng khỏe, đẹp, bác sĩ Trần Văn Thông khuyến cáo ngay từ giai đoạn mang thai, bà mẹ cần cung cấp đủ các yếu tố vi lượng như canxi, flour… để giúp cho mầm răng của trẻ sau này phát triển tốt; hạn chế cho trẻ ăn thức ăn, đồ uống có đường, đặc biệt ăn dưới dạng quà vặt; nên khám răng định kỳ từ 3 - 6 tháng một lần; hướng dẫn cho trẻ cách chải răng đúng, duy trì và thực hiện thói quen này đều đặn mỗi ngày sau khi ăn xong; trong ăn uống, phụ huynh nên lựa chọn thức ăn cung cấp nhiều canxi, điều này vừa giúp phát triển thể trạng vừa giúp phát triển răng.

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.