Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em

07:03, 03/06/2018

Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ. Trẻ suy dinh dưỡng thường có tầm vóc nhỏ bé, nhẹ cân, dễ bị bệnh và kém thông minh hơn những trẻ bình thường.

Theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Đắk Lắk hiện vẫn nằm trong nhóm đầu các địa phương có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất cả nước. Năm 2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân toàn tỉnh là 20,5%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 31,8%. Theo bác sĩ Bùi Thị Ngọc Hương, Phó trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh), số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ đúng cách và ăn uống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em có 4 thể, gồm: nhẹ cân, thấp còi, béo phì, phù. Trong đó, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi chiếm đa số. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng là trẻ sinh non, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt và trẻ đang mắc một số bệnh nhiễm trùng.

Cán bộ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh hướng dẫn các bà mẹ nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ.
Cán bộ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh hướng dẫn các bà mẹ nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ.

Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Hương cho biết trừ trường hợp trẻ sinh non, thông thường giai đoạn từ 1 - 3 tuổi là lúc trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất bởi đây là lúc nhu cầu dinh dưỡng tăng cao, trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài và nhạy cảm với bệnh tật. Vì vậy ở giai đoạn này, phụ huynh nên chú ý theo dõi sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ thông qua biểu đồ tăng trưởng, nếu trẻ phát triển dưới mức chuẩn thì cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tránh bị suy dinh dưỡng.

Trên thực tế, khi thấy con thấp bé, nhẹ cân, rất nhiều bậc phụ huynh thường tìm đến các giải pháp như bổ sung thuốc bổ hoặc dùng các loại cốm giúp trẻ ăn ngon miệng. Tuy nhiên, bác sĩ Hương cho biết không có giải pháp nào tốt hơn là cung cấp những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho trẻ hằng ngày. Bữa ăn đủ chất dinh dưỡng là bữa ăn phải có đầy đủ 4 nhóm chất gồm: bột đường (gạo, ngô, khoai, đậu đỗ…), đạm (thịt, trứng, tôm, cá…), béo (dầu, mỡ), vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ…). Các loại thức ăn này cần được chế biến thành nhiều dạng và thay đổi mỗi ngày để kích thích vị giác của trẻ, giúp trẻ ăn nhiều hơn. Đối với trẻ còn bú mẹ, cần được bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn, không nên cai sữa trước 18 tháng. Ngoài ra, cần cho trẻ uống vitamin A và tẩy giun định kỳ. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Vệ sinh cơ thể, bàn tay trẻ sạch sẽ, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.

Bảng chuẩn tăng trưởng đối với trẻ em Việt Nam

 

 

Mới sinh

06 tháng

12 tháng

18 tháng

24 tháng

36 tháng

42 tháng

48 tháng

54 tháng

60 tháng

Bé trai

Chiều cao (cm)

49,9

67,6

75,7

82,3

87,8

96,1

99,9

103,3

106,7

110,0

Cân nặng (kg)

3,3

7,9

9,6

10,9

12,2

14,3

15,3

16,3

17,3

18,3

Bé gái

Chiều cao (cm)

49,1

65,7

74,4

80,7

86,4

95,1

99,0

102,7

106,2

109,4

Cân nặng (kg)

3,2

7,3

8,9

10,2

11,5

13,9

15,0

16,1

17,2

18,2


Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.