Multimedia Đọc Báo in

Hiểm họa khi sử dụng thuốc hết hạn

07:21, 01/07/2018

Nhiều hộ gia đình có thói quen trữ thuốc trong nhà để lấy ra dùng khi cần và thường quên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc, hoặc nhiều trường hợp biết thuốc đã hết hạn nhưng vẫn sử dụng mà không biết rằng sẽ có nhiều hệ lụy khó lường do sử dụng thuốc quá hạn gây ra.

Hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà trước thời hạn đó, thuốc còn  bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nếu được bảo quản đúng quy định. Hạn dùng chính là tiêu chí quan trọng nhất để khẳng định thuốc có còn chất lượng hay không. Tuy nhiên, nhiều gia đình trữ thuốc nhưng không chú ý đến hạn dùng của thuốc nên khi sử dụng sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Và tùy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau khi sử dụng thuốc quá hạn.

Khi hết hạn sử dụng, một số loại thuốc rất dễ nhận biết như: thuốc ở dạng lỏng sẽ có hiện tượng tách lớp, thuốc dạng rắn sẽ mềm nhũn, có thể dễ dàng bóp vụn. Tuy nhiên, với một số loại thuốc khác, khi hết hạn thành phần hóa học đã biến đổi nhưng lại không hề thay đổi hình dáng so với lúc ban đầu như thuốc bao phim, mắt thường không nhận biết được. Đây cũng là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng thuốc hết hạn vẫn có thể sử dụng được mà không gây tác hại gì lớn. Điển hình như việc nhiều người dân hay có thói quen trữ các loại vitamin, chất khoáng trong lọ to chứa hàng mấy trăm viên, dùng một thời gian thì ngưng khi thuốc vẫn còn nhiều, sau một thời gian dài lại lấy ra dùng và thờ ơ với hạn sử dụng của thuốc, bởi nhìn bề ngoài thấy viên thuốc vẫn còn bóng bẩy, màu sắc tươi rói. Hoặc nhiều người có thói quen sử dụng thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi và dùng lâu dài mà không biết rằng các loại thuốc này nên ngưng sử dụng sau 15 ngày mở nắp… Bởi thuốc hết hạn dùng sẽ không giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng dù vẻ bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi. Nhiều người thấy thuốc bề ngoài còn tốt sẽ nghĩ rằng thuốc quá hạn dùng trong thời gian ngắn không sao nên tiếp tục sử dụng để tránh lãng phí mà không biết rằng nguy hiểm đang cận kề.

Để tránh sử dụng thuốc quá hạn, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột)  luôn kiểm tra tủ thuốc định kỳ.  Ảnh: Q.Nhật
Để tránh sử dụng thuốc quá hạn, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) luôn kiểm tra tủ thuốc định kỳ. Ảnh: Q.Nhật

Theo dược sĩ Nguyễn Đình Diệm, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế) cho biết, trong quá trình bảo quản thuốc, do đặc điểm hóa học, vật lý vốn có của dược chất hoặc dạng bào chế, hàm lượng ban đầu có thể bị giảm sút ở một mức độ nào đó sẽ kéo theo hiệu quả điều trị của thuốc không còn nguyên vẹn như ban đầu. Do đó, khi sử dụng thuốc quá hạn thì tùy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau. Trước hết, người bệnh sẽ không khỏi bệnh mà còn khiến bệnh nặng hơn, làm mất thời gian “vàng” để điều trị khi bệnh đang còn nhẹ, thậm chí còn làm bệnh nhân tử vong nếu là các thuốc đặc trị; và nguy hiểm hơn là thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên tính chất, chuyển sang dạng khác hay sinh ra những hợp chất có độc tính cao có thể gây độc cho cơ thể. Độc ở đây là do biến chất của hoạt chất thuốc hoặc do biến chất của chất bảo quản thuốc, độc do hư hỏng dạng bào chế, do nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn... gây dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin - tetracyclin quá hạn dùng sẽ trở nên rất độc, gây hại cho thận.

Vì vậy, các thuốc đã hết hạn thì tuyệt đối không nên sử dụng, đặc biệt là các thuốc điều trị tim mạch, thuốc trị tăng huyết áp, thuốc trị đái tháo đường, hen suyễn, thuốc nhỏ mắt… Với những người mắc bệnh tăng huyết áp, việc dùng thuốc là rất quan trọng để kiểm soát huyết áp hằng ngày. Nếu uống thuốc hết hạn, nghĩa là thuốc không còn khả năng hoặc mất tác dụng điều trị, không kiểm soát được huyết áp sẽ gây ra các tai biến nặng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Người bị bệnh đái tháo đường uống thuốc hết hạn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm do tăng đường huyết như mù lòa, tàn phế… Ngoài ra, đối với các bệnh nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh, nếu dùng kháng sinh hết hạn sẽ làm cho bệnh nặng hơn hoặc gây ra tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng làm cho việc điều trị ngày một khó khăn.

“Để sử dụng thuốc an toàn, phát huy tối đa hiệu quả, điều đầu tiên người bệnh phải sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuân thủ quá trình điều trị. Thận trọng khi mua thuốc, kiểm tra kỹ hạn sử dụng của thuốc. Đối với các hộ gia đình có thói quen trữ thuốc thì cần kiểm tra tủ thuốc định kỳ để loại bỏ những thuốc cũ, thuốc hết hạn sử dụng. Cần lưu ý bảo quản thuốc đúng quy định như cất giữ thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào, tránh những nơi quá nóng như cốp xe hoặc những nơi ẩm ướt như nhà tắm… Khi chưa dùng đến thì tuyệt đối không lấy thuốc ra khỏi vỏ, hộp thuốc. Những thuốc như insulin, thuốc đặt hậu môn… phải được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh… Có như thế, người sử dụng thuốc sẽ bảo đảm được an toàn khi sử dụng”, dược sĩ Diệm nhấn mạnh.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.