Multimedia Đọc Báo in

Tích cực ứng phó với cúm A/H1N1

08:15, 30/07/2018

Với sự xuất hiện liên tiếp của các ca bệnh cúm A/H1N1, ngành Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó, không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn tỉnh.

Giám sát chặt, xử lý kịp thời ổ dịch

Sáng 3-6-2018, bệnh nhân Lê Thị Kim T. (sinh năm 1977, ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng đau bụng, nôn ói, đi cầu lỏng kèm nhầy máu. Đến buổi chiều cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng được Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) thông tin bệnh nhân này trong quá trình điều trị bệnh lý phụ khoa tại đây đã lây nhiễm cúm A/H1N1 từ người bệnh với kết quả xét nghiệm dương tính. Ngay sau đó, bệnh nhân T. được chuyển sang điều trị cách ly. Đồng thời Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng tiến hành thống kê, lập danh sách người nhà, bệnh nhân cùng phòng và các nhân viên y tế đã tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân để theo dõi sát và điều trị dự phòng.

Mới đây nhất, sau khi tiếp tục phát hiện chùm ca bệnh nghi mắc cúm A/H1N1 tại xã Hòa Phong, huyện Krông Bông với 4 người mắc trong cùng một gia đình, ngành Y tế địa phương lập tức tiến hành các biện pháp cách ly điều trị, lấy mẫu xét nghiệm. Ngay khi có kết quả 4 trường hợp đều dương tính với cúm A/H1N1, ngành Y tế tiến hành điều tra dịch tễ, phun hóa chất xung quanh khu vực người bệnh sinh sống, lấy 8 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và người tiếp xúc với bệnh nhân gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm.

Cán bộ  Trung tâm Y tế  huyện  Buôn Đôn hướng dẫn người dân  vệ sinh môi trường phòng bệnh truyền nhiễm.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường phòng bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, ngay từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có cúm A/H1N1; tập trung giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc các bệnh cúm để phát hiện kịp thời, xử lý hiệu quả; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện, đảm bảo công tác thu dung, điều trị, trong đó chú trọng phân tuyến, phân luồng để tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi có ca bệnh, tiến hành vệ sinh nhà ở, môi trường và hạn chế sự tiếp xúc của người dân với ổ dịch và người bệnh. Nhờ triển khai tích cực, hiệu quả cả trong công tác điều trị lẫn dự phòng, đến nay tất cả các bệnh nhân đều được điều trị khỏi bệnh, xuất viện về nhà. Bệnh cúm A/H1N1 cũng không có dấu hiệu lây lan rộng, đến hiện tại trên địa bàn không ghi nhận thêm ca bệnh mới.

Nâng cao nhận thức của người dân về cúm A/H1N1

Ngoài các hoạt động chuyên môn để xử lý hiệu quả ca bệnh và ổ dịch, kiểm soát không để bệnh lây lan rộng, ngành Y tế còn chú trọng công tác truyền thông để người dân hiểu đúng về bệnh cúm A/H1N1, từ đó tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Trên thực tế, cúm A/H1N1 là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm A/H1N1 gây nên. Vi-rút cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang, quần áo, hoặc lòng bàn tay... Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang vi rút cúm A/H1N1 có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian từ 1-7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Ngành Y tế phun hóa chất khử khuẩn bề mặt tại hộ gia đình để phòng bệnh truyền nhiễm lây lan.
Ngành Y tế phun hóa chất khử khuẩn bề mặt tại hộ gia đình để phòng bệnh truyền nhiễm lây lan.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, phần lớn Cúm A/H1N1 có diễn biến từ nhẹ đến nặng và thông thường sẽ khỏi bệnh trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên đối với các đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, những người mắc các bệnh mãn tính, các bệnh chuyển hóa và các bệnh suy giảm miễn dịch có thể dễ có các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Do vậy, khi có các dấu hiệu bị nhiễm cúm A/H1N1: bị sốt cao trên 38oC, đau nhức toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở, người dân nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.