Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

08:33, 15/08/2018
Hiện nay đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH) và đang giữa mùa mưa nên rất thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển. Trung tâm Y tế huyện Lắk đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống bệnh SXH.
 
Bác sĩ Trần Minh Hùng, Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết, căn cứ tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện Lắk trong những năm qua (đặc biệt là vào năm 2017 có 157 ca mắc SXH), để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động lập kế hoạch phòng chống dịch ngay từ đầu mùa mưa.
 
Trung tâm đã tổ chức, điều tra mật độ muỗi và bọ gậy tại các vùng có nguy cơ bùng phát dịch cao, phối hợp với Trạm Y tế thị trấn Liên Sơn tổ chức phun hóa chất phòng ngừa tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch như  thôn 1, thôn 2, thôn Hợp Thành (thị trấn Liên Sơn), là những khu vực trọng điểm thường xảy ra dịch bệnh từ năm 2009 đến nay. Việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt loăng quăng, diệt đàn muỗi nhiễm vi rút Dengue tại đây nhằm ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của dịch SXH.
 
Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.
Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.
Đặc biệt, Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tại các xã về bệnh SXH và cách phòng bệnh SXH như vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh, phát quang bụi rậm, xử lý các dụng cụ chứa nước như lốp xe, hộp sữa chua, vỏ dừa và các ổ nước đọng chứa loăng quăng… để không cho muỗi sinh sản và truyền bệnh.
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà chiến dịch phòng chống bệnh SXH được người dân hưởng ứng, làm theo. Gia đình anh Y Xim Ndu (buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng) cho biết, để chủ động phòng bệnh SXH gia đình anh thực hiện ngủ mắc màn, thường xuyên thu gom các vật liệu phế thải trong và xung quanh nhà, không để lu chén đọng nước, thả cá vào các bể nước để diệt loăng quăng, phát quang hàng rào… để muỗi không có nơi trú ngụ. Nhờ vậy, mặc dù 6 tháng đầu năm 2017 có ổ dịch SXH tại địa bàn, số ca mắc tăng cao, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn huyện chỉ phát hiện 1 ca bệnh mới. 
 
Hiện nay, SXH chưa có vắc xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị trong khi đó tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Do đó, để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng tại địa phương cần sự phối hợp của người dân trên địa bàn.
 
Thùy Dung
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.