Multimedia Đọc Báo in

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh: Cần được phát hiện và điều trị sớm

08:37, 30/08/2018

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, mức độ vàng da nhiều không chỉ khiến trẻ bị tổn thương đến não, chậm phát triển trí tuệ, vận động mà còn có thể dẫn tới tử vong.

Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) hằng ngày tiếp nhận nhiều trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý khác nhau, trong đó, bệnh vàng da chiếm số lượng khá nhiều, luôn dao động ở mức từ 10 - 15 trẻ. Thông thường, bệnh vàng da thường xảy ra từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm sau khi trẻ được sinh ra. Lúc này thì hầu hết trẻ sơ sinh và sản phụ đều được đưa về nhà chăm sóc tại gia đình. Bởi vậy, có nhiều trường hợp không phát hiện ra bệnh lý vàng da ở trẻ hoặc có nhận thấy nhưng các ông bố, bà mẹ chủ quan cho rằng hiện tượng này sẽ tự hết dẫn đến việc khi đưa trẻ đi khám, điều trị thì tình trạng vàng da đã khá nặng. Đơn cử như trường hợp của bé Nguyễn Ngọc Huyền Trâm (10 ngày tuổi, ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) lúc sinh tại bệnh viện thì sức khỏe bình thường. Khoảng 4 - 5 ngày sau sinh, khi gia đình đưa bé đến tiêm vắc xin phòng bệnh tại trạm y tế xã, qua khám sàng lọc, các bác sĩ đã phát hiện bé bị vàng da nên hoãn tiêm phòng và hướng dẫn gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám và điều trị. Trường hợp khác là bé Hứa Thị Khánh Ngân (15 ngày tuổi, ở xã Ea Pô, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) bị vàng da hai ngày sau sinh, bú ít, ngủ li bì. Nhận thấy có biểu hiện của bệnh vàng da, mỗi buổi sáng, chị Hoàng Thị Sâm (mẹ bé Ngân) đều cho con tắm nắng nhưng tình trạng vàng da ngày càng nặng hơn, ban đầu chỉ ở vùng mặt, sau đến bụng, tay và chân nên gia đình đã đưa bé Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Sau một tuần điều trị bằng phương pháp chiếu đèn, sức khỏe của bé tiến triển khá tốt, không quấy khóc, bú nhiều hơn và không còn tình trạng ngủ li bì nữa.

Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên)  khám bệnh cho trẻ mắc bệnh vàng da.
Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) khám bệnh cho trẻ mắc bệnh vàng da.

Theo bác sĩ Lê Thị Thu Vân, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), vàng da ở trẻ sơ sinh là bệnh khiến cho da và lòng trắng trong mắt trẻ có màu vàng. Vàng da có hai loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý thường xuất hiện trong 5 ngày đầu tiên sau khi trẻ ra đời, trẻ vẫn ăn, ngủ bình thường và hiện tượng này sẽ tự hết, không cần điều trị và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Còn vàng da bệnh lý (thường gặp ở trẻ sinh non, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Ví dụ: mẹ có nhóm máu O, con có nhóm máu A hoặc AB) xuất hiện sớm vào ngày thứ nhất và thứ hai sau sinh, việc tổn thương đến não đa phần xuất hiện vào các ngày thứ tư và thứ bảy sau khi sinh. Vào khoảng thời gian đó, các bé và sản phụ đã được xuất viện về nhà nên việc phát hiện bệnh vàng da chủ yếu từ phía gia đình. Tuy nhiên, do sản phụ sau sinh thường nằm trong phòng kín, không có ánh sáng nên khó phát hiện bệnh vàng da ở trẻ. Vì vậy, có những trường hợp khi trẻ nhập viện, mức độ vàng da quá nhiều, não trẻ đã bị tổn thương. Nếu trẻ qua khỏi cũng sẽ để lại di chứng về não, như: chậm phát triển trí tuệ và vận động, nặng hơn có thể khiến trẻ tử vong.

Vì vậy, theo các bác sĩ, hằng ngày bố mẹ phải đưa trẻ ra phòng sáng để dễ quan sát trẻ có bị vàng da hay không. Tốt nhất, khi thấy vàng da trên phần ngực, bụng thì đưa trẻ tới bệnh viện ngay. Hoặc khi trẻ có những biểu hiện: vàng da, bú kém, ngủ li bì thì cũng nên đưa trẻ vào bệnh viện sớm để khám và điều trị sớm, bởi bệnh vàng da diễn biến rất nhanh và rất nguy hiểm, trẻ có thể tử vong trong vòng 1 - 2 giờ hoặc trong vòng 24 giờ.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.