Multimedia Đọc Báo in

Điều dưỡng – những cống hiến thầm lặng

09:42, 02/09/2018

Mỗi một ca bệnh được cứu chữa thành công, ngoài công sức của bác sĩ còn có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ điều dưỡng. Họ làm việc như con thoi, mất ăn, mất ngủ để chăm lo cho sức khỏe người bệnh. Song, công việc vất vả đó không phải ai cũng hiểu…

Việc không tên

Có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Krông Năng, chứng kiến công việc của các điều dưỡng mới thấu hiểu nỗi vất vả của họ. Tiếp nhận một cụ ông được người thân đưa vào khoa trong tình trạng co giật, khó thở, các điều dưỡng đã nhanh chóng tiến hành các thao tác sơ cấp cứu ban đầu. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, họ lại chia nhau người làm thủ tục, hồ sơ bệnh án, người cung cấp thông tin về bệnh nhân cho bác sĩ thăm khám, người lại tiếp nhận và lo cho bệnh nhân mới.

Điều dưỡng Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh thực hiện y lệnh thuốc cho người bệnh.
Điều dưỡng Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh thực hiện y lệnh thuốc cho người bệnh.

Không chỉ tiếp nhận, sơ cứu, đồng hành cùng người bệnh trong cơn nguy kịch, các điều dưỡng viên còn thay người nhà chăm lo từ giấc ngủ cho đến việc vệ sinh của người bệnh. Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, điều dưỡng Khoa Ngoại, BVĐK huyện Krông Năng cho biết, 12 năm gắn bó với nghề, công việc mỗi ngày là theo dõi sinh hiệu, thực hiện thuốc cho bệnh nhân, nhận định tình trạng bệnh để biết cách chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh, nâng cao thể trạng cho từng bệnh nhân, ghi chú hồ sơ bệnh án, cùng bác sĩ đi thăm bệnh… Công việc nhiều, thời gian lại gấp gáp, nhiều đêm người mệt lả nhưng cũng không dám ngủ, bởi chỉ sợ một giây phút lơ là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh.

 

 “Để nâng cao chất lượng của đội ngũ điều dưỡng, thời gian qua, bệnh viện rất chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức, quy tắc ứng xử của điều dưỡng đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đến nay, toàn bộ điều dưỡng hệ trung cấp của bệnh viện đã được đào tạo lên hệ cao đẳng; số điều dưỡng có trình độ đại học cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng số điều dưỡng của  bệnh viện”.

 

 
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Anh, Giám đốc BVĐK huyện Krông Năng

Vất vả, áp lực cũng là câu chuyện của các điều dưỡng làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK vùng Tây Nguyên, bởi ngoài các hoạt động chuyên môn, mỗi điều dưỡng ở nơi đây còn thay thế người thân, chăm sóc cho người bệnh toàn diện từ tắm rửa, vệ sinh thân thể, thay quần áo, bỉm tã cho đến ăn uống dinh dưỡng... Thậm chí, với nhiều bệnh nhân hôn mê thời gian dài, các điều dưỡng còn phải thực hiện chăm sóc chuyên sâu để chống lở loét. Hay những bệnh nhân bị thiếu oxy não, tinh thần không ổn định, khi đau là la hét, chửi mắng vô cớ, họ vẫn kiên nhẫn chịu đựng. Theo chia sẻ của một điều dưỡng: Vì đặc thù của khoa là chăm sóc điều trị bệnh nhân nặng, người nhà hạn chế thăm nuôi nên công việc của điều dưỡng cũng luôn chân luôn tay. Chỉ cần bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì dù có đang trong bữa ăn cũng phải buông chén mà “chạy” cấp cứu. Đến khi xong việc thì cơm canh cũng nguội ngắt, cứ vậy mà qua bữa luôn.

Trăn trở với nghề

31 năm làm điều dưỡng và gần 20 năm trực tiếp chăm sóc người bệnh, điều dưỡng Trần Thị Nhuận, Trưởng Phòng Điều dưỡng, BVĐK huyện Krông Năng đã “nếm” đủ cay đắng, ngọt bùi của nghề. Chị chia sẻ: Từ lúc bệnh nhân vào viện đến ra viện có đến 70% khối lượng công việc do điều dưỡng thực hiện, từ nhận bệnh, thăm khám sơ bộ, nhận định đánh giá các nhu cầu của người bệnh, đo các dấu hiệu sinh tồn, báo cho bác sĩ thăm khám cho đến lập kế hoạch về chăm sóc người bệnh, phối hợp với các bác sĩ thực hiện y lệnh trong ngày. Sau đó phải theo dõi người bệnh giúp bác sĩ phát hiện những bất thường để xử trí. Thực tế, công việc của điều dưỡng cũng rất vất vả, gian nan, song không phải ai cũng thông cảm và chia sẻ. Nhiều người còn có quan niệm điều dưỡng là “chân sai vặt” của bác sĩ nên có thái độ xem thường, thậm chí còn có lời lẽ xúc phạm. Nhưng không vì thế mà chị Nhuận và các đồng nghiệp lơ là trách nhiệm với người bệnh. Quả thực nếu kiên trì, không yêu nghề thì sẽ khó mà gắn bó được với công việc này. Giờ đây, ở vai trò của một người quản lý, ngoài việc trau dồi y đức, nâng cao trình độ cho bản thân, chị Nhuận còn xây dựng quy trình hoạt động hợp lý cho điều dưỡng viên thực hiện; tham mưu, đề xuất với lãnh đạo bệnh viện luân phiên cử các điều dưỡng viên đi học tập nâng cao trình độ, tay nghề; truyền đạt kinh nghiệm, chia sẻ, giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ để họ đều thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Điều dưỡng Trần Thị Nhuận chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc người bệnh cho đồng nghiệp trẻ.
Điều dưỡng Trần Thị Nhuận chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc người bệnh cho đồng nghiệp trẻ.

Có thể thấy, hiện nay tình trạng quá tải bệnh nhân đang diễn ra ở nhiều bệnh viện công lập trong khi nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng khiến cho khối lượng công việc của đội ngũ điều dưỡng ngày càng nhiều hơn, họ phải làm việc với áp lực lớn, cường độ cao. Song, mức lương của điều dưỡng ở các bệnh viện công hiện còn khá thấp và chưa được quan tâm đúng mức. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần xem xét và đưa ra mức thu nhập phù hợp với sức lao động mà đội ngũ này bỏ ra để họ yên tâm gắn bó với công việc chăm sóc người bệnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.