Multimedia Đọc Báo in

Những sai lầm nguy hiểm khi tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết

08:15, 09/09/2018

Sốt xuất huyết là căn bệnh có những diễn biến rất phức tạp, thậm chí một số trường hợp nằm ngoài tiên lượng của thầy thuốc. Song trên thực tế, nhiều người vẫn còn chủ quan với căn bệnh này, khi bị bệnh thường tự ý điều trị tại nhà. Điều này dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tử vong.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), có ba sai lầm nguy hiểm thường gặp khi người bệnh tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà: Tự mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của thầy thuốc; tự truyền dịch và dùng thuốc Atspirin để hạ sốt.

Khi có triệu chứng sốt cao, đau mình mẩy và mệt mỏi, nhiều người thường tự mua thuốc về điều trị mà không cần xác định sốt là do nguyên nhân gì. Tuy sốt là những triệu chứng cơ bản của tất cả các loại sốt do vi rút, vi trùng gây ra nhưng mỗi loại bệnh lại có những biểu hiện đặc trưng và các thuốc điều trị khác nhau nên việc tự dùng thuốc khi chưa có chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ sẽ khiến bệnh không khỏi mà còn có nguy cơ nặng hơn vì dùng sai thuốc.

Bên cạnh đó, mỗi khi mắc bệnh, cơ thể mệt mỏi, không ăn uống được nên đa số bệnh nhân muốn truyền dịch để cải thiện sức khỏe. Nhiều người đến các phòng khám tư nhân yêu cầu cán bộ y tế truyền dịch hoặc có trường hợp tự mua dịch về truyền tại nhà. Bác sĩ Phạm Hồng Lâm cho biết đây là hành động phổ biến và hết sức sai lầm bởi mỗi người có một cơ địa và bệnh cảnh khác nhau, không phải trường hợp nào cũng có thể truyền dịch. Việc lựa chọn truyền dịch mà không được bác sĩ chỉ định, không xác định liều lượng, tốc độ truyền dễ gây ra tình trạng sốc phản vệ, đặc biệt ở bệnh nhân đang bị sốt cao. Nếu truyền quá liều sẽ gây thừa dịch, dẫn đến phù phổi, suy hô hấp, đe dọa tử vong. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì hoặc phụ nữ có thai, trẻ em thì tự truyền dịch còn nguy hiểm gấp bội.

Truyền dịch điều trị sốt xuất huyết cần có chỉ định và giám sát của thầy thuốc.  Ảnh: Đ.Thi
Truyền dịch điều trị sốt xuất huyết cần có chỉ định và giám sát của thầy thuốc. Ảnh: Đ.Thi

Ngoài ra, việc dùng thuốc Atspirin để hạ sốt cũng hết sức nguy hiểm. Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, sai lầm này thường xảy ra ở những trường hợp tự ý chữa bệnh tại nhà. Với bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết, dùng thuốc Aspirin để hạ sốt dễ gây nguy hiểm đến tính mạng bởi bệnh sốt xuất huyết gây nên tình trạng rối loạn đông máu, khiến bệnh nhân dễ bị chảy máu (xuất huyết), trong khi Aspirin lại là thuốc hạ sốt chống đông máu (chống lại quá trình cơ thể tự cầm máu). Vì vậy dùng loại thuốc này có thể khiến tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn. Loại thuốc hạ sốt được chỉ định dùng trong điều trị sốt xuất huyết là Paracetamol.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm khuyến cáo, mọi người khi có những triệu chứng như sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, đau đầu, nhức cơ, nhức khớp và đau sau hố mắt, xuất huyết ngoài da hoặc chảy máu cam, chân răng cần đến khám tại cơ sở y tế; tùy theo từng thể trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định việc dùng thuốc, điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là tự ý truyền dịch vì nếu gặp phải các biến chứng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao vì bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.