Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện và điều trị sớm bệnh lý đáy mắt để tránh nguy cơ mù lòa

10:56, 24/02/2019

Bệnh lý đáy mắt là những căn bệnh về mắt thường gặp ở người cao tuổi và là nguyên nhân gây mù lòa cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Nhận thức của nhiều người về căn bệnh này vẫn còn hạn chế khiến không ít trường hợp phát hiện bệnh muộn, điều trị khó khăn.

Đáy mắt là khái niệm y học dùng để chỉ vị trí hai cấu trúc nằm sâu bên trong nhãn cầu là dịch kính và võng mạc. Dịch kính là khối dịch đặc, trong suốt, chiếm phần lớn không gian bên trong mắt, có tác dụng tiếp truyền ánh sáng bên ngoài vào đáy mắt. Võng mạc là lớp thần kinh cảm thụ ánh sáng, có vai trò tiếp nhận và truyền dẫn các tín hiệu quang học lên bộ não. Võng mạc có một điểm rất quan trọng gọi là hoàng điểm, giúp mắt nhìn rõ nét hình ảnh bên ngoài. Những căn bệnh phát sinh tại dịch kính và võng mạc được gọi chung là bệnh lý đáy mắt.

Bác sĩ điều trị bệnh lý đáy mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh.  Ảnh: Q.Nhật
Bác sĩ điều trị bệnh lý đáy mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: Q.Nhật

Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt tỉnh, năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 1.509 trường hợp mắc bệnh lý đáy mắt; năm 2018 là 1.605 trường hợp. Có 5 bệnh lý đáy mắt thường gặp là: võng mạc đái tháo đường, tăng huyết áp; hắc võng mạc trung tâm thanh dịch; hoàng điểm tuổi già; tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm; bong võng mạc. Trong đó, bệnh nhân mắc bệnh lý võng mạc đái tháo đường, tăng huyết áp chiếm đa số. Nguyên nhân được cho là số lượng người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp trong cộng đồng ngày càng gia tăng trong khi tỷ lệ người kiểm soát tốt bệnh lại hạn chế. Hai căn bệnh này về lâu dài sẽ gây biến chứng ở mắt. Như trường hợp ông Nguyễn Việt Miên (62 tuổi, ở xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) mắc bệnh võng mạc đái tháo đường và phải điều trị bệnh tại Bệnh viện Mắt tỉnh gần một năm nay. Ông Miên cho biết trước đó, mắt trái của ông bị mờ, nhìn không rõ các vật xung quanh, nhìn không rõ chữ. Các bác sĩ cho biết bệnh đái tháo đường của ông được phát hiện muộn nên gây biến chứng nặng cho mắt. Còn bà Vũ Thị Kim (60 tuổi, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) thì bị yếu thị lực do mắc bệnh tăng huyết áp từ nhiều năm nay. Mặc dù kiểm soát tốt căn bệnh của mình nhưng theo thời gian, mắt của bà cũng bị ảnh hưởng do biến chứng của bệnh tăng huyết áp. May mắn là bà đã đi khám bệnh kịp thời và được các bác sĩ chuyên khoa mắt đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau 4 tháng điều trị, từ biểu hiện nhìn mờ, không nhìn rõ các vật xung quanh, nay bà Kim đã có thể đọc chữ.

Để hạn chế nguy cơ các bệnh lý đáy mắt, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo những người có nguy cơ cao như người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, người có bệnh và tật khúc xạ ở mắt cần đi khám mắt thường xuyên, nhất là khi mắt có biểu hiện nhìn mờ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hải, khoa Glaucome – Màng bồ đào – Võng mạc (Bệnh viện Mắt tỉnh) cho biết, dấu hiệu điển hình của bệnh lý đáy mắt là nhìn mờ nhưng không đau nhức. Tùy vào mức độ khác nhau, bệnh lý khác nhau mà độ mờ sẽ khác nhau. Ở trường hợp bệnh võng mạc tiểu đường hoặc thoái hóa hoàng điểm tuổi già thì bệnh nhân thấy mờ từ từ, ngày càng mờ nhiều hơn. Còn trong bệnh lý tắc mạch thì bệnh nhân sẽ thấy mờ đột ngột; có thể sau một giấc ngủ, bệnh nhân đã thấy mờ hoàn toàn một mắt. Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác như bệnh nhân nhìn các hình ảnh bị méo, kích thước, màu sắc của đồ vật bị thay đổi hoặc bệnh nhân sẽ bị mất tầm nhìn, thấy một đốm đen phía trước, mất đi thị lực vùng trung tâm.

Những người gặp các bệnh lý đáy mắt thường là người lớn tuổi, từ 45 tuổi trở lên, mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, những người có bệnh và tật khúc xạ ở mắt. Hậu quả mà các bệnh lý này gây ra là người bệnh bị giảm thị lực, mắt nhìn mờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây mù lòa.

Hiện có hai phương pháp điều trị bệnh lý đáy mắt là tiêm thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hải,  phẫu thuật các bệnh lý đáy mắt là một kỹ thuật khó, phức tạp nên hầu hết bệnh nhân phải thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương. Hiện ở Bệnh viện Mắt tỉnh chỉ mới điều trị nội khoa bằng việc tiêm thuốc. Các thuốc này được tiêm trực tiếp vào mắt để chống tăng sinh các mạch máu bất thường trong mắt. Ở những bệnh nhân mắc bệnh lý đáy mắt, trong quá trình phát triển bệnh sẽ xuất hiện các mạch máu bất thường trên võng mạc. Các mạch máu bất thường này rất dễ vỡ, gây ra biến chứng xuất huyết khiến bệnh nhân nhìn mờ.

Để việc điều trị bệnh lý đáy mắt có hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ đúng lời dặn của bác sĩ, tái khám định kỳ mỗi tháng 1 lần, kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp đối với những bệnh nhân mắc hai căn bệnh này. Những người có người thân trong gia đình mắc các bệnh mãn tính kể trên cũng nên thăm khám mắt định kỳ ít nhất 1 năm/1 lần. Bên cạnh đó, cần bảo vệ đôi mắt bằng cách đeo kính khi ra đường hoặc lao động ở môi trường nhiều khói bụi.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.