Multimedia Đọc Báo in

Thêm cơ hội điều trị cai nghiện Methadone cho bệnh nhân

18:03, 17/02/2019

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.528 người nghiện ma túy, tăng 13% so với năm 2016, trong đó 53% ở độ tuổi 18 đến dưới 30 tuổi. Công an tỉnh và các ngành chức năng đã lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa đi cai nghiện tại cơ sở điều trị chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đối với nhiều đối tượng.

Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy được coi là cơ hội “vàng” đối với người nghiện ma túy bởi phương pháp này có những ưu điểm như: chi phí thấp, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV, giúp bệnh nhân hồi phục khả năng lao động, cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần). Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.

Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ tháng 12-2015. Qua khảo sát cho thấy, bệnh nhân tham gia điều trị đã giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy, trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng hêrôin thì sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng ma túy từ 3 - 4 lần/ngày; sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên.

Bệnh nhân điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone tại cơ sở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Bệnh nhân điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone tại cơ sở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Chương trình có nhiều ưu điểm như vậy song việc triển khai điều trị Methadone đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Để công tác quản lý và điều trị bệnh nhân đạt hiệu quả cao, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS mở cửa cho bệnh nhân đến uống thuốc từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày, kể cả lễ, tết đều phục vụ bệnh nhân; định kỳ hằng tuần bộ phận tư vấn tổ chức họp người nhà bệnh nhân, kịp thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, đồng thời động viên tinh thần, giúp bệnh nhân thực hiện tốt việc tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, với nhiều người bệnh, việc điều trị tại Trung tâm là khó khăn rất lớn vì ở các huyện xa như M’Đrắk, Ea Kar, Ea H’leo, Ea Súp đi lại rất khó khăn; bận đi làm xa, thời gian không cố định dẫn đến bỏ điều trị. Vì lý do này không ít bệnh nhận tái nghiện. Bên cạnh đó có một thực tế đáng buồn là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng vẫn khá nặng nề làm cho việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, thực hiện Nghị định số 90/2016/NĐ-CP, ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và Quyết định số 3509/2015/QĐ-BYT, ngày 21-8-2015 của Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, vừa qua UBND tỉnh đã quyết định thành lập cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại các huyện Ea H’leo, Ea Kar, với mục tiêu góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tăng tỷ lệ bao phủ hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone thay thế cho những người nghiện trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mỗi cơ sở đảm nhận thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 60 bệnh nhân. Trước mắt sẽ chuyển tiếp 21 bệnh nhân từ các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Ea Kar, Krông Pắc đang điều trị giai đoạn duy trì tại cơ sở điều trị Methadone của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh về tiếp tục uống thuốc tại 2 cơ sở trên; đồng thời, tiếp tục thu dung bệnh nhân đủ điều kiện để đưa vào điều trị, tùy điều kiện cụ thể có thể tiếp tục đưa bệnh nhân về cơ sở cấp phát thuốc hoặc cử cán bộ y tế của cơ sở điều trị Methadone của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh về cơ sở cấp phát thuốc cho đạt chỉ tiêu 120 bệnh nhân tại 2 cơ sở này. Hiện nay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tổ chức tập huấn cho một số cán bộ dự kiến tham gia công tác cấp phát thuốc điều trị Methadone tại 2 cơ sở ở huyện Ea Kar và Ea H’leo.

Hy vọng việc triển khai 2 điểm cấp phát thuốc trên sẽ giúp người nghiện ma túy trên địa bàn 2 huyện Ea Kar, Ea H’leo và các huyện lân cận tiếp cận được phương pháp cai nghiện, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tăng tỷ lệ bao phủ hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone thay thế cho những người nghiện trên địa bàn tỉnh, góp phần vào công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

        Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.