Multimedia Đọc Báo in

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24-3:

Tăng cường ý thức phòng chống lao trong cộng đồng

06:59, 25/03/2019

Trong những năm qua, công tác phòng, chống bệnh lao ở tỉnh ta đã được đẩy mạnh trên các tuyến, nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Song, công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo chương trình phòng chống lao, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh xoay quanh nội dung này.

* Bác sĩ có thể chia sẻ đôi nét về công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh?

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Do đặc tính lây bệnh dễ dàng qua đường hô hấp nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn. Theo Tổ chức y tế thế giới, bệnh lao diễn biến rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt là lao kháng thuốc. Nếu trước năm 2012, trên thế giới chỉ có 22 nước có tỷ lệ người mắc lao cao, đến năm 2017 đã tăng lên 30 nước. Trong đó Việt Nam hiện đứng thứ 15/30 nước có tỷ lệ mắc lao và đứng thứ 16/30 nước có tình trạng nặng nề về lao kháng đa thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ
Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo chương trình phòng chống lao, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Theo ước tính ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tỷ lệ bệnh nhân lao phổi dương tính tại một thời điểm là khoảng 159/100.000 dân, còn tính tỷ lệ mới mắc hằng năm là khoảng 144/100.000 dân. Như vậy, tại Đắk Lắk với 1,9 triệu dân, mỗi năm tại một thời điểm chúng ta có gần 400 bệnh nhân lao phổi dương tính và số mới mắc hàng năm khoảng 2.000 – 2.500 bệnh nhân. Những năm gần đây, tỷ lệ điều trị khỏi đối với lao phổi dương tính đều đạt trên 85%, cao hơn mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia (80%), tỷ lệ điều trị thành công (đủ thời gian, đủ liệu trình) đạt từ 90-95%.

Đồng thời, trung bình mỗi năm tỉnh ta phát hiện từ 900 đến hơn 1.000 bệnh nhân lao trung kháng thể và khoảng 600-700 bệnh nhân lao phổi dương tính. Tuy công tác phát hiện đã tốt hơn so với thời điểm cách đây khoảng 10 năm về trước, song so với số mắc tại cộng đồng thì mới chỉ đạt khoảng 30-35%.

* Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống lao hiện nay là số lượng bệnh nhân lao trong cộng đồng được phát hiện và điều trị chưa nhiều, vậy nguyên nhân của tình trạng này do đâu, thưa bác sĩ?

Mặc dù chúng ta đã có mạng lưới quản lý rất tốt, tỷ lệ điều trị cao, tỷ lệ hoàn thành cũng cao, nhưng tỷ lệ phát hiện chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân đầu tiên là về địa lý, tức là tỉnh ta có địa bàn rộng, người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ít có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế. Thứ hai là do trình độ dân trí, không phải ai cũng biết về bệnh lao và thực trạng mắc lao hiện nay, đặc biệt nhiều người vẫn còn tâm lý nặng nề đối với bệnh lao, xem bệnh lao là bệnh di truyền, khó chữa, do ăn ở thế này thế kia mà bị bệnh, dẫn đến khi mắc bệnh, sợ mọi người kỳ thị nên giấu bệnh, không dám đi chữa bệnh, hay chữa không đến nơi đến chốn.

Mặt khác, công tác tuyên truyền về phòng chống lao chưa được triển khai thường xuyên, hầu hết mới chỉ dừng lại ở các chiến dịch; nhân lực làm công tác chống lao ở tuyến cơ sở còn hạn chế; rồi  sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể về chương trình chống lao cũng chưa được chặt chẽ.

Cán bộ Trạm y tế xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc điều trị bệnh lao tại nhà.
Cán bộ Trạm y tế xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc điều trị bệnh lao tại nhà.

* Vậy theo bác sĩ, để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống lao trên địa bàn, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp nào?

Đối với những kết quả công tác phòng chống lao của tỉnh đạt được trong thời gian qua cũng đáng ghi nhận, nhưng để cho kết quả cao hơn, thực hiện được mục tiêu chiến lược phòng chống lao đến năm 2020 đạt tỷ lệ 131 bệnh nhân lao/ 100.000 dân và tầm nhìn đến 2030 còn 20 bệnh nhân lao/100.000 dân, hay nói cách khác là chấm dứt bệnh lao thì cần tuyên truyền sâu rộng về bệnh lao và công tác phòng chống lao để người dân hiểu, không mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh lao, chủ động tiếp cận, sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật kiến thức phòng chống bệnh lao, cử cán bộ đi đào tạo các kỹ thuật mới, tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh lao, đào tạo và đào tạo lại mạng lưới cán bộ chống lao tuyến huyện, xã nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ này; có sự đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác phát hiện, điều trị bệnh lao cũng như hỗ trợ về tài chính cho  các hoạt động chống lao.

* Cuối cùng, bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng chống và phát hiện bệnh lao?

Trước hết phải khẳng định bệnh lao là do vi khuẩn lao gây ra chứ không phải bệnh di truyền và nó là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, bệnh lao hiện đã có thuốc điều trị và có thể điều trị khỏi, đặc biệt thuốc điều trị lao được cung cấp đầy đủ, miễn phí. Vì thế, khi xuất hiện những triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, hoặc ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần (thậm chí có thể ho ra máu), đau ngực, tức ngực, chán ăn,sụt cân vô lý…, người dân nên đến cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, tránh tình trạng dấu bệnh dẫn đến lây bệnh cho gia đình và cộng đồng.

*Xin cảm ơn bác sĩ !

Kim Oanh  (thực hiện)  


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.