Multimedia Đọc Báo in

Thanh toán bệnh lao: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

08:23, 24/03/2019
Dù đã có những bước tiến đáng kể trong công tác phòng chống, điều trị bệnh lao song Việt Nam vẫn đang đứng thứ 16 trong số 30 quốc gia trên thế giới chịu gánh nặng lớn nhất của căn bệnh này.
 
Năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 sẽ thanh toán bệnh lao. Để đạt được mục tiêu này, công cuộc phòng chống lao không thể chỉ giao phó cho ngành Y tế mà cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
 
Tại Đắk Lắk, những năm qua, công tác phòng chống bệnh lao luôn được ngành y tế chú trọng. Điển hình là việc xây dựng Bệnh viện chuyên khoa về lao phổi vào năm 2007. Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, công tác khám, điều trị cho bệnh nhân lao đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2015, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh là cơ sở y tế đầu tiên đủ tiêu chuẩn tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại khu vực Tây Nguyên, với tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân lao các thể luôn đạt trên 90%. Song song với công tác điều trị, mạng lưới phòng chống lao cũng được củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Mỗi trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều có tổ chống lao; mỗi trạm y tế đều có chuyên trách về bệnh lao.
 
Tuyên truyền phòng chống bệnh lao tại Trạm Y tế phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đ.Thi
Tuyên truyền phòng chống bệnh lao tại Trạm Y tế phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đ.Thi
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Y tế, công tác phòng chống lao tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo báo cáo của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, từ năm 2016 đến nay, số lượng bệnh nhân lao đến điều trị giảm không đáng kể, trong đó bệnh lao kháng đa thuốc lại đang có chiều hướng tăng lên. Cụ thể, năm 2016, bệnh viện đã điều trị cho 1.046 bệnh nhân lao các thể, trong đó có 25 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc; năm 2018 đã điều trị cho 22 bệnh lao đa kháng thuốc trong tổng số 931 bệnh nhân lao các thể.
 
Ngày 13-9-2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 7800/KH-UBND triển khai Chiến lược phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, UBND tỉnh đã phân công công việc cụ thể và giao trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành trong công cuộc phòng chống bệnh lao. Mục tiêu Chiến lược là “Giảm số người mắc bệnh lao, chết do bệnh lao và giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao đa kháng thuốc, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ mắc dưới 20/100.000 người dân vào năm 2030”. 
 
 
 

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết, số lượng bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị chỉ chiếm khoảng 35% số bệnh nhân lao trong cộng đồng bởi trên thực tế, rất nhiều người mắc bệnh lao tự ti, mặc cảm, sợ bị kỳ thị, xa lánh nên đã giấu bệnh, tự mua thuốc về điều trị. Điều này chẳng những khiến bệnh không được chữa khỏi mà còn dẫn đến nguy cơ mắc lao tái phát, lao kháng đa thuốc rất cao; đây cũng chính là nguồn lây lớn trong cộng đồng.

Chẳng hạn như trường hợp của ông Nguyễn Văn G. (ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột). Mặc dù đây là lần thứ hai bị mắc bệnh lao nhưng ông G. không mấy thoải mái khi chia sẻ về bệnh tình của mình. Ông cho biết lần đầu tiên khi mắc bệnh, do ngại nên ông không đi khám mà tự mua thuốc về điều trị. Đến giữa năm ngoái, khi phát hiện mình bị tái phát lao, ông đã ngưng hẳn các hoạt động bên ngoài, từ chối tiếp xúc với những người xung quanh, luôn đeo khẩu trang và chỉ quanh quẩn trong nhà. Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc bệnh nhân mang tâm lý nặng nề, sợ sệt như trường hợp ông G. không thuận lợi cho việc điều trị bệnh lao.
 
Lâu nay, công tác phòng chống bệnh lao vẫn chủ yếu do ngành Y tế đảm nhiệm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Loan, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch, việc quản lý điều trị cho bệnh nhân lao khá vất vả. Ngoài việc phải đến hộ gia đình tư vấn, động viên, cán bộ y tế còn phải thường xuyên gọi điện nhắc bệnh nhân đến khám và nhận thuốc định kỳ trong khi nguồn nhân lực của Trạm có hạn, một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều hoạt động khác nhau. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của chương trình phòng chống lao.
 
“Nếu có sự hỗ trợ thường xuyên của cộng đồng, đặc biệt là các đoàn thể trong việc tuyên truyền, động viên bệnh nhân lao tuân thủ điều trị thì chúng tôi sẽ giảm bớt áp lực trong công tác chuyên môn”, bác sĩ Loan chia sẻ. Cũng theo bác sĩ Loan, bệnh nhân lao hầu hết ở độ tuổi lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; việc vất vả mưu sinh khiến họ không có thời gian hoặc ngại đến cơ sở y tế khi nghi ngờ mắc bệnh. Vì vậy, gia đình, bạn bè và những người xung quanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân lao đấu tranh với bệnh tật, có thể điều trị dứt điểm bệnh lao góp phần ngăn chặn nguồn lây, từng bước loại trừ bệnh lao khỏi xã hội. 
 
Thu Huế
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.