Multimedia Đọc Báo in

Làm gì khi phơi nhiễm HIV?

09:12, 21/04/2019
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, phơi nhiễm HIV (exposure) là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. 
 
Một trường hợp được xem là phơi nhiễm có nguy cơ phải thỏa mãn 2 yếu tố: Dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm (được kể đến nhiều nhất là máu, dịch âm đạo, tinh dịch và sữa mẹ; các dịch cơ thể thông thường khác như mồ hôi, nước mắt, nước bọt, nước tiểu… được xem là không có nguy cơ lây nhiễm) và ngõ vào (vết thương hở, đâm xuyên da, tiếp xúc vào niêm mạc: mắt, mũi, miệng, âm đạo, hậu môn…). Trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cùng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của những hành vi đó.
 
Phơi nhiễm trong cộng đồng chủ yếu xoay quanh 2 tình huống: phơi nhiễm tình dục khi quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ hoặc rách, bị cưỡng dâm; phơi nhiễm qua máu bởi vết thương do đâm phải kim hoặc các vật sắc nhọn vứt tại các khu vực công cộng và có dính máu nhìn thấy được. Trong khi đó, phơi nhiễm do nghề nghiệp ở nhân viên y tế đa dạng hơn nhiều. Đặc thù công việc của nhân viên y tế phải tiếp xúc với nhiều loại dịch tiết có nguy cơ hơn (dịch ối, dịch não tủy, mủ, dịch màng phổi, dịch màng bụng); đồng thời, họ lại có tần suất tiếp xúc cao hơn qua các thủ thuật như thăm khám, tiêm chích, truyền dịch, chọc hút, phẫu thuật… nên nguy cơ phơi nhiễm cao hơn.
 
Nhân viên y tế Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho đối tượng phơi nhiễm.
Nhân viên y tế Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho đối tượng phơi nhiễm.
Do tính chất âm thầm và khó nhận biết của căn bệnh này, mọi tình huống phơi nhiễm với dịch tiết của người không rõ tình trạng huyết thanh kháng HIV đều được xem là “có khả năng chứa mầm bệnh”. Như vậy, những tình huống không thể xác minh nguồn gây phơi nhiễm như bị kim đâm ở nơi công cộng, bạn tình bất chợt… đều được xem xét như trường hợp tiếp xúc với dịch tiết của người dương tính.
 
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, từ đầu năm 2019 đến ngày 31-3, toàn tỉnh đã ghi nhận 8 trường hợp phơi nhiễm HIV, tăng 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 4 trường hợp là cán bộ công an, 1 nhân viên y tế, 2 học sinh dẫm phải bơm kim tiêm, 1 bảo vệ tổ dân phố. Các trường hợp trên đều được các bác sĩ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS chỉ định điều trị phơi nhiễm trước 72 giờ, xét nghiệm HIV để khẳng định sau điều trị.
 
Thực tế, không phải người nhiễm HIV nào cũng biết được tình trạng của mình; nhiều người chỉ vô tình biết được khi đi khám bệnh. Do đó, khả năng lây bệnh cho chồng, đối tác, bạn tình hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc này, việc điều trị phơi nhiễm không còn tác dụng. Vì vậy, nếu nghi ngờ phơi nhiễm, mỗi người phải ngay lập tức liên hệ với các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phơi nhiễm HIV. Điều trị chống phơi nhiễm bắt buộc phải tiến hành sớm ngay sau khi có các hành vi nguy cơ, trước thời điểm 72 giờ. Thời gian điều trị kéo dài liên tục trong 28 ngày. Sau đó, người phơi nhiễm sẽ tái xét nghiệm HIV; nếu kết quả âm tính là không bị lây nhiễm HIV. 
 
Tuy nhiên điều trị dự phòng sau phơi nhiễm chỉ nên sử dụng trong những tình huống tai nạn bất ngờ, chứ không phải là một biện pháp dự phòng lâu dài. Khi phơi nhiễm xảy ra, tâm lý thoải mái là một yếu tố cần thiết bởi sẽ giúp cơ thể đáp ứng tốt hơn với thuốc, hạn chế ảnh hưởng và tác dụng phụ của thuốc ARV lên đời sống và sinh hoạt, góp phần tăng hiệu quả tác dụng của thuốc trong quá trình điều trị phơi nhiễm.
 
Nguyễn Công Thành
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.