Multimedia Đọc Báo in

Lưu ý khi trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin đã mắc sởi

15:59, 14/04/2019

Những tháng đầu năm 2019, số ca mắc sởi tại Đắk Lắk có chiều hướng gia tăng; đặc biệt số bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi phải nhập viện điều trị sởi chiếm 30% trong tổng số bệnh nhân mắc sởi. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi trẻ ở độ tuổi này chưa được thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi.

Như trường hợp con của chị Trịnh Thu Dung (trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) mới được 7 tháng tuổi đã mắc sởi. Chị Dung cho biết, khi bé bị sốt cao 38,5 độ C kèm theo chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân, nhiều nhất vùng mặt, ngực, bụng, lưng thì gia đình cứ nghĩ con bị sốt phát ban. “Lúc nghe bác sĩ chẩn đoán con mắc bệnh sởi, tôi rất hoang mang, lo sợ bởi con tôi chưa đến tuổi chích ngừa vắc xin mà lại mắc bệnh. Sau khi tìm hiểu mới biết là do tôi trong thời kỳ trước khi mang thai đã không chích ngừa đầy đủ để tạo đề kháng cho con”, chị Dung kể.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều bất thường là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh trong khi độ tuổi này chưa đến thời gian tiêm chủng và thường chỉ có miễn dịch từ mẹ thông qua việc cho con bú. Hiện nay, theo lịch tiêm chủng mở rộng thì trẻ được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 khi đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi. Còn trẻ dưới 9 tháng tuổi dù chưa được tiêm vắc xin nhưng có miễn dịch của mẹ truyền cho thông qua sữa mẹ và vẫn có khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, nếu mẹ không có miễn dịch hoặc có nhưng trẻ không được bú mẹ thì cũng không được bảo vệ. Ở độ tuổi này, trẻ bị sởi rất dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và khó khăn trong chăm sóc và điều trị. “Tốt nhất khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, khò khè, khó thở, sốt cao liên tục, tiêu chảy mất nước, suy hô hấp… thì lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Lào nhấn mạnh.

Khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi mang thai là biện pháp tốt để tạo đề kháng cho con.
Khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi mang thai là biện pháp tốt để tạo đề kháng cho con.

Đối với các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin sởi cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những ai nghi ngờ mắc sởi, những nơi đông người, không đến vùng diễn ra dịch. Để phòng bệnh cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, tốt nhất các bà mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vắc xin sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, cúm để tạo miễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai. Khi trẻ em đến độ tuổi tiêm chủng, cha mẹ phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho trẻ.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Lào, một phần nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát trở lại là do thời gian qua có một tỷ lệ nhất định bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng vì sợ các tai biến liên quan đến vắc xin. Thực tế có đến 96% số ca mắc sởi nhập viện do chưa tiêm phòng vắc xin hoặc không có tiền sử tiêm chủng rõ ràng. Ngoài nguyên nhân do cha mẹ chủ quan, quên, còn có nhiều trường hợp nghe theo tin đồn, tham gia "phong trào" bài trừ vắc xin vì sợ nguy hiểm đến con nên không tiêm phòng. Thực tế, tỷ lệ tiêm chủng ngừa các bệnh có vắc xin vẫn chưa đạt, do người dân vẫn e ngại phản ứng sau tiêm nên không đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi khiến cho dịch bệnh dễ bùng phát.

Để phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Với những trẻ em chưa được tiêm, uống vắc xin thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt. Những trẻ đã tiêm nhưng chưa đủ mũi thì cần tiêm, uống các mũi tiếp theo mà không cần tiêm lại từ đầu các mũi tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện nay phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, bại liệt, rubella và viêm não Nhật Bản B. Có như vậy, trẻ mới được bảo đảm hệ miễn dịch cơ bản, góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cho cả cộng đồng.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.