Multimedia Đọc Báo in

Sự cần thiết của việc khám thai định kỳ

08:36, 27/04/2019

Đối với phụ nữ mang thai, ngoài việc xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý thì việc khám thai định kỳ vô cùng quan trọng. Khám thai định kỳ không chỉ giúp theo dõi được tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi mà còn phát hiện sớm những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. 

Ngày nay, ở tuyến y tế cơ sở (trạm y tế xã), việc chăm sóc thai và quản lý thai được thực hiện khá tốt; các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc chẩn đoán lâm sàng, như: siêu âm, xét nghiệm máu, đo diện tim, đo huyết áp… đã được trang bị đầy đủ, bảo đảm kiểm tra sức khỏe thai phụ như ở các bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa vì nhiều lý do khác nhau (như: tập quán, đường sá xa xôi…) chưa thực hiện việc khám thai định kỳ. Bên cạnh đó, còn có một số phụ nữ quan niệm sai lầm rằng siêu âm thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi hoặc nhiều người mẹ thấy cơ thể khỏe mạnh, ăn khỏe, ngủ tốt nên cho rằng không cần khám thai định kỳ.

Như trường hợp Lê Thị Thanh (ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk) mang thai con thứ ba ở độ tuổi trên 40 nhưng chỉ đến Trạm Y tế xã xin viên sắt, canxi về uống mà không chịu siêu âm dù đã được các bác sĩ tư vấn rất kỹ về lợi ích của việc khám thai, siêu âm thai. “Từ ngày mang thai đến nay tôi thấy cơ thể khỏe mạnh bình thường, không mệt mỏi cũng không bị ốm nghén nên tôi chưa đi siêu âm. Tôi có nghe mọi người nói siêu âm những tháng đầu không tốt cho thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh của bé nên tôi cũng ngại”, chị Thanh băn khoăn.

Trái ngược với chị Thanh, chị H’Vân Niê (ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk) dù nhà cách trung tâm huyện khá xa và đang mang thai tháng thứ tám nhưng chị vẫn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk để siêu âm, kiểm tra sức khỏe thai nhi định kỳ. Chị H’Vân chia sẻ: “Tôi xác định sẽ sinh con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk nên từ khi mang thai tôi đều đến bệnh viện để khám thai và siêu âm thai định kỳ”.

Khám thai định kỳ giúp theo dõi được tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Khám thai định kỳ giúp theo dõi được tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Theo bác sĩ Y Dleh Đắk Cat, Phó trưởng Khoa Ngoại sản (Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk), khám thai định kỳ là việc làm cần thiết và có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và con; lại càng cần thiết đối với phụ nữ lớn tuổi mà vẫn muốn sinh con. Quan niệm siêu âm ảnh hưởng đến thai nhi là hoàn toàn sai lầm và không có cơ sở. Khi khám thai định kỳ, người mẹ sẽ được các bác sĩ sản khoa tư vấn, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, vệ sinh thai nghén, tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt, can xi, nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai để có hướng xử trí kịp thời.

Theo quy định của Bộ Y tế, trong một thai kỳ, người mẹ phải được khám thai ít nhất 3 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Trong đó, vào 3 tháng đầu, việc khám thai sẽ được thực hiện ngay khi nghi ngờ có thai để xác định có thai hay không, thai đã về tử cung hay chưa, mấy thai. Nếu có bất thường gì, các bác sĩ sẽ tư vấn cách can thiệp sớm để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và em bé. Cũng trong lần khám thai này, thai phụ được hướng dẫn chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi, bổ sung vi chất hợp lý bảo đảm sức khỏe cho mẹ và thai nhi, chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc khi mang thai, giảm khó chịu khi nghén nhiều…

Lần khám thai thứ hai được thực hiện khi thai được từ 3 - 6 tháng tuổi để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Lần này, bác sĩ sẽ cho siêu âm để kiểm tra độ mờ da gáy nhằm tầm soát bệnh Down ở em bé; tầm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ; tư vấn tiêm ngừa uốn ván. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ dặn dò thai phụ cách phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật và dự phòng sản giật, như: cân, đo huyết áp, thử nước tiểu, khám phù…

Đến 3 tháng cuối của thai kỳ, các bà mẹ cần đi khám thai để tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai nhi; xác định ngôi thai; phát hiện những nguy cơ cho mẹ và thai nhi; dự đoán ngày sinh. Ngoài ra, thai phụ sẽ được hướng dẫn dấu hiệu chuyển dạ, một số dấu hiệu nguy hiểm cần đến cơ sở y tế để được theo dõi, như: ra máu âm đạo, ra nước ối sớm, hoa mắt, đau đầu, chóng mặt…

Như vậy, khám thai đủ và đúng theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp phụ nữ mang thai có quá trình mang thai an toàn, để cả mẹ và con đều khỏe suốt thời kỳ thai nghén và sinh nở an toàn.

Mỹ Hạnh 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.