Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng khi sử dụng mật động vật

08:55, 11/08/2019

Từ lâu, Y học cổ truyền đã sử dụng mật của một số loài động vật như một vị thuốc. Vì vậy, đã có nhiều người thu mua, tích trữ và tự ý sử dụng mật động vật để chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng mật động vật một cách tùy tiện tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe.

Nhiều người truyền miệng cho nhau cách sử dụng mật động vật trong việc bồi bổ sức khỏe và chữa nhiều loại bệnh. Bởi thế, không ít người đã nuốt sống hoặc uống rượu có pha các loại mật động vật như mật rắn, mật ba ba, mật trăn, mật gấu, mật mèo, mật khỉ… thậm chí cả mật cá trắm và mật cóc với hy vọng sẽ làm tăng cường sinh lực, cải thiện sức khỏe, giải rượu, giải độc và phòng chống nhiều loại bệnh tật, kể cả bệnh ung thư. Từ đó đã dẫn đến việc đổ xô đi mua động vật quý hiếm về để lấy mật chữa bệnh, dù giá vô cùng đắt đỏ.

Mật động vật nếu sử dụng tùy tiện  sẽ tiềm ẩn nhiều  nguy hại  đối với  sức khỏe.
Mật động vật nếu sử dụng tùy tiện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe.

 

 

“Hiện nay, trên thị trường xuất hiện tình trạng bán mật động vật rừng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vì thế, người dân cần cảnh giác, đừng để tiền mất, tật mang. Khi sử dụng, gặp những triệu chứng bất thường, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm”.

 

 Lương y Phạm Thị Lước, Hội Đông y TP. Buôn Ma Thuột

 

Anh Nguyễn Đình Xuân (trú tại phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nghe người quen mách bảo nuốt mật cá trắm sẽ khỏi đau dạ dày nên anh đã mua một mật cá trắm (con cá nặng khoảng 3 kg) về dùng. Sau khi nuốt mật cá trắm khoảng 2 giờ, anh thấy đau bụng, càng lúc càng đau dữ dội, nôn và tiêu chảy, nên gia đình vội đưa đi khám. Kết quả là anh bị ngộ độc mật cá trắm.

Tương tự, nghe chị hàng xóm truyền kinh nghiệm về việc nuốt mật lợn sau sinh sẽ giúp cho con không bị đầy bụng, tiêu chảy, chị Trần Thị Bình (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã nuốt 3 cái mật lợn. Tuy nhiên, sau khi sử dụng chị cảm thấy đau bụng, đi ngoài nhiều lần, mệt mỏi. Đi khám được bác sĩ kết luận bị rối loạn tiêu hóa.

Trao đổi về vấn đề này, Lương y Phạm Thị Lước, Hội Đông y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thành phần của mật gần giống nhau, đều chứa các acid cholic, acid ehydrocholic, cholesterol, muối mật, sắc tố mật bilirulin... và đều có tác dụng giảm đau, chống viêm, tiêu sưng, kháng khuẩn.... Tất cả các loại mật động vật đều có độc, nếu sử dụng tùy tiện, sử dụng nhiều có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Do vậy khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, tuân thủ đúng liều lượng, không nên nghe truyền miệng, đồn thổi mà sử dụng sai cách. Nhiều người sử dụng không đúng đã dẫn đến ngộ độc, bị viêm dạ dày, viêm gan, viêm đường dẫn mật, viêm tụy, thậm chí tử vong.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) từng khuyến cáo về việc nhiều người tự ý sử dụng mật động vật để điều trị bệnh bằng cách nuốt sống trực tiếp với nước hoặc pha với rượu, mật ong theo truyền miệng mà không qua chỉ định, tư vấn của thầy thuốc. Việc này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng người dùng. Thực tế, đã có không ít trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc mật động vật, bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tím tái, men gan tăng cao dẫn đến suy thận, tổn thương gan.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.