Multimedia Đọc Báo in

Đề phòng nhiễm giun, sán từ chó, mèo

08:57, 28/09/2019

Việc nuôi và tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo thường xuyên có thể khiến ấu trùng giun sán từ chó, mèo xâm nhập vào cơ thể gây bệnh sán dây, giun đũa ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người nuôi.

Gia đình anh T.V.H (trú phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) nuôi rất nhiều chó, mèo. Hằng ngày, anh H. luôn tự tay tắm rửa, chải lông cho chó, mèo ăn. Cách đây gần một năm, bỗng nhiên anh thấy mình hay xuất hiện triệu chứng đau đầu, đặc biệt là vào buổi chiều tối, nhiều khi kèm sốt cao. “Lo lắng cho sức khỏe của mình, tôi tới bệnh viện khám, chụp CT và làm các xét nghiệm nhưng không phát hiện bệnh gì. Đến khi xét nghiệm ký sinh trùng thì tôi mới biết mình bị đau đầu do sán dây chó ký sinh gây nên”, anh H. cho biết.

Còn chị N.M.A (trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) rất lo lắng khi thấy con bị nổi mẩn ngứa, hay đau bụng đi ngoài phân sống, thường kêu mệt mỏi và chậm lớn. Chị đưa con đi khám, làm xét nghiệm thì nhận được kết quả cháu bị nhiễm giun sán từ chó, mèo. Chị A. chia sẻ: “Gia đình tôi có nuôi hai con chó để giữ nhà, cháu thường hay chơi đùa với chúng nên mới mắc bệnh. Thực tế tôi không bao giờ nghĩ con mình lại có thể bị nhiễm giun, sán từ chó nên cũng chủ quan không đề phòng”.

Trẻ em hay đùa nghịch với chó, mèo nên rất dễ lây nhiễm giun sán.
Trẻ em hay đùa nghịch với chó, mèo nên rất dễ lây nhiễm giun sán.

Nhiễm giun sán từ chó, mèo là bệnh nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người bởi giun tròn ký sinh thường tìm thấy trong ruột của chó (Toxocara canis) và mèo (T. cati). Đây là một loài giun tròn được gọi là giun đũa của chó, mèo. Một số triệu chứng hay gặp là ngứa da, nổi mề đay tại cánh tay, cẳng tay, bụng, lưng, mặt trước đùi, có người phù mặt và mí mắt; đôi khi kém ăn, đau bụng thoáng qua. Tuy nhiên cũng có người bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng; bệnh gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

 Theo các chuyên gia y tế, nhiễm giun sán từ chó, mèo lâu ngày rất nguy hiểm bởi giun sán là loại ấu trùng di chuyển trong nội tạng, có thể gây tổn thương trong cơ tim, gan, đường ruột. Hai thể thường gặp nhất là ấu trùng di chuyển trong nội tạng và ở mắt. Ở nội tạng, bệnh nhân có các triệu chứng sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, hô hấp giống như hen suyễn. Giun sán vào mắt, triệu chứng thường gặp là giảm thị lực một bên mắt hoặc đôi khi bị lé. Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù lòa.

Để phòng ngừa bệnh, mọi người cần lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ, ăn chín, uống chín, nếu ăn rau sống phải rửa sạch bằng thuốc tím và rửa dưới vòi nước đang chảy... Chó, mèo nuôi trong nhà cần được tắm thường xuyên, khám sức khỏe ở cơ sở thú y và xổ giun định kỳ. Khi trẻ em tiếp xúc với đất, cát, nhất là ở khu vực có nuôi chó mèo phải rửa bằng xà phòng thật sạch; không nên ôm hôn chó, mèo. Phải thu gom, xử lý phân chó, mèo cẩn thận, không để chó, mèo đi bậy lung tung.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.