Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Đẩy mạnh truyền thông về phòng chống bệnh sốt xuất huyết

09:29, 25/09/2019

Nhờ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), tình hình dịch bệnh này trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã được kiểm soát, không có trường hợp bệnh nặng và tử vong do SXH.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, từ đầu năm đến nay, toàn thị xã ghi nhận trên 640 ca bệnh SXH với 66 ổ dịch, tăng 29 lần so với cùng kỳ năm 2018 (22 ca). Hiện 12/12 xã, phường của thị xã đều ghi nhận bệnh nhân mắc SXH, trong đó phường An Bình là nơi có số ca mắc cao nhất với 121 trường hợp.

Cán bộ Trạm Y tế phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) tuyên truyền, hướng dẫn người dân  các biện pháp phòng bệnh SXH.
Cán bộ Trạm Y tế phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh SXH.

Trước những diễn biến bất thường của dịch bệnh SXH, ngành Y tế thị xã đã triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; ra quân dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm diệt lăng quăng (bọ gậy); thành lập gần 150 đội xung kích diệt lăng quăng ở các thôn, buôn, tổ dân phố; cấp phát gần 100 lít hóa chất để phòng chống dịch. Cùng với đó ngành y tế cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày như: dự trữ nước đúng cách để không phát sinh muỗi, lăng quăng, vệ sinh nhà cửa, không gian thoáng mát, tránh ao tù nước đọng quanh khu vực sinh sống; nâng cao nhận thức về biện pháp phòng, chống SXH, nhất là tại vùng có nguy cơ cao, ổ bệnh cũ.

Bác sĩ Tô Thị Thanh Minh, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ cho biết: “Thời gian qua, công tác truyền thông về phòng chống SXH đã được Trung tâm triển khai bằng nhiều hình thức. Cùng với tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa đài, phát tờ rơi, Trung tâm đã tập huấn các biện pháp phòng chống SXH cho y tế cơ sở, y tế thôn buôn và tổ xung kích của trạm y tế các xã, phường. Đồng thời cử cán bộ trực tiếp đến cộng đồng hướng dẫn cho người dân cách xử lý môi trường và tham gia với tổ xung kích ở địa bàn diệt lăng quăng”.

Hiện tại, mặc dù số mắc SXH ở thị xã Buôn Hồ đang có chiều hướng giảm, song ngành Y tế nơi đây vẫn tiếp tục các hoạt động truyền thông, khuyến cáo người dân tránh tâm lý chủ quan, tránh tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát trở lại.

Song song với những hoạt động của ngành Y tế, UBND tỉnh và thị xã Buôn Hồ cũng đã trích kinh phí trên 160 triệu đồng để thực hiện công tác phòng chống bệnh SXH; các ban, ngành liên quan cũng tích cực phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng với mục tiêu mỗi người, mỗi nhà tự mình hằng ngày, hằng tuần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là diệt lăng quăng, bởi “không có lăng quăng, không có muỗi vằn thì không có bệnh SXH”.

Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh SXH tại địa bàn dân cư.
Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh SXH tại địa bàn dân cư.

Chính sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng đã có tác động mạnh mẽ, làm cho người dân trên địa bàn từng bước nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh SXH và biến nhận thức thành hành động cụ thể, đặc biệt nhiều hộ đã xem vệ sinh môi trường là một việc làm thường xuyên của gia đình. Đơn cử như tại phường An Bình, thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp của Trạm Y tế phường như đến từng nhà dân phát tờ rơi, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường diệt lăng quăng phòng chống SXH, phun thuốc diệt muỗi tại tất cả các địa bàn dân cư và hộ dân…, hiện tại người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống SXH ngay tại gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Huề ở tổ dân phố 1, phường An Bình kể: “Thời gian qua, bà con khu phố chúng tôi thường xuyên được cán bộ y tế hướng dẫn lật úp các đồ vật phế thải có nước ứ đọng, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi ở, tạo không khí thoáng đãng, khi ngủ phải mắc màn… để phòng bệnh SXH. Nghe nhiều thành quen, dần dà mọi người đều làm theo”. Nhờ vậy, từ một địa bàn có số mắc SXH cao nhất của thị xã thì hiện nay số ca bệnh ghi nhận được trên địa bàn phường đã giảm mạnh. Theo bác sĩ Lê Xuân Hiệu, Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Bình, trong tuần qua, toàn phường chỉ ghi nhận 3 ca bệnh mới, trong khi thời điểm trước đó cao điểm có tuần ghi nhận tới 20 ca bệnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.