Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với bệnh lao màng não

17:13, 13/06/2020

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam, bệnh lao màng não chỉ chiếm khoảng 5% trong số các bệnh lao, song đây lại là thể lao ngoài phổi nguy hiểm nhất, có tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng.

Gần một tháng về trước, anh Bùi Văn Hoằng (30 tuổi, ở thôn 16, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) bị sốt cao, đau đầu, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài và có dấu hiệu tăng nặng khi tay chân cử động yếu dần, anh Hoằng được gia đình đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và tiếp tục chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, sau khi chọc dịch não tủy, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm màng não do lao. Vì phát hiện bệnh muộn nên anh Hoằng bị di chứng liệt toàn thân. Sau đợt điều trị cấp, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bà Lê Thị Minh, mẹ bệnh nhân cho biết, khi anh Hoằng bị sốt cả nhà cứ nghĩ là cảm sốt thông thường, nhưng khi cơn sốt kéo dài và kèm theo các biểu hiện nặng hơn nên gia đình mới đưa đi viện. May mắn là các bác sĩ đã phát hiện và điều trị kịp thời nên con bà mới giữ được tính mạng. Với di chứng liệt toàn thân, sau một thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, hiện con bà đã có thể cử động chân tay.

Bệnh nhân Bùi Văn Hoằng điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Bệnh nhân Bùi Văn Hoằng điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh nhân Hoằng là trường hợp thứ 4 trên địa bàn được phát hiện và điều trị lao màng não tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, cả 4 trường hợp đều đang ở độ tuổi khá trẻ.

Theo bác sĩ Rma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, lao màng não là một thể lao cấp tính do vi khuẩn lao lan tràn theo đường máu gây tổn thương ở não và màng não. Trường hợp khi bệnh nhân đã hôn mê sâu, tỷ lệ tử vong lên đến 70-80%. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, song tập trung nhiều ở trẻ nhỏ từ 1-5 tuổi và người lớn từ 20-50 tuổi, nam bị nhiều hơn nữ. Bệnh lao màng não khởi đầu với những triệu chứng không đặc hiệu như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, có người bị co giật khu trú, liệt… khá giống với các bệnh thông thường (cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang). Chính vì có triệu chứng trùng lắp nên việc chẩn đoán bệnh lao màng não hiện còn gặp nhiều khó khăn, phải dựa vào việc chọc dịch não tủy mới xác định được bệnh. Do đó, khi phát hiện được, bệnh đã ở giai đoạn muộn và thường dẫn tới những hậu quả hết sức nặng nề như sống đời sống thực vật, động kinh, mù mắt, liệt dây thần kinh… thậm chí là tử vong.

Cũng theo bác sĩ Rma Lương, để phòng bệnh lao nói chung và lao màng não nói riêng, cách tốt nhất là nên cho trẻ tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao theo đúng lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với những người đã mắc các thể lao khác, những người sức đề kháng suy giảm do suy dinh dưỡng, sau nhiễm vi rút, không tiêm vắc xin phòng bệnh, nhiễm HIV, đái tháo đường… cần tuân thủ tốt hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không làm việc quá sức để vi khuẩn lao có cơ hội tấn công vào não. Đặc biệt, khi thấy có các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.