Multimedia Đọc Báo in

Hiểu thêm về vắc xin và huyết thanh kháng độc tố bạch hầu

09:37, 26/07/2020

Sau khi tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn bạch hầu nếu chúng xâm nhập cơ thể những lần tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu trẻ em hay người lớn chưa được tiêm ngừa bạch hầu hoặc tiêm không đủ mũi thì khi mắc bệnh, tiêm vắc xin sẽ không bảo vệ được cơ thể ngay lúc đó. Do đó, bệnh nhân phải được tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu ngay lập tức kết hợp với điều trị kháng sinh và các phương pháp điều trị hỗ trợ khác.

Bài viết này xin cung cấp một số kiến thức cơ bản để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vắc xin và huyết thanh kháng độc tố.

Kháng nguyên, kháng thể là gì ?

Kháng nguyên là các tác nhân gây bệnh, vật lạ, các vi sinh vật… Kháng thể là các chất, các tế bào của cơ thể có sẵn hoặc do cơ thể tạo ra để chống lại các tác nhân gây bệnh. Nói theo cách khác, kháng nguyên là tác nhân gây bệnh và kháng thể là thành phần bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh đó.

Miễn dịch là gì ?

Là đề kháng của cơ thể nhằm chống lại sự xâm nhập của các vật lạ, các vi sinh vật để bảo vệ toàn vẹn cơ thể hoặc giúp cơ thể thoát khỏi bệnh tật do vi sinh vật đó gây ra. Về phương diện chủng ngừa, thường có 2 loại miễn dịch: miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động. Miễn dịch chủ động kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể nhờ vắc xin.

Tuy nhiên, kháng thể do miễn dịch chủ động tạo ra chỉ có thể bảo vệ cơ thể sau 4 tuần mà không thể bảo vệ cơ thể ngay lúc nhiễm bệnh, nhưng hiệu quả có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hay thậm chí suốt đời tùy từng loại vắc xin. Do đó, có những loại vắc xin cần phải tiêm nhắc lại và có những loại vắc xin không cần tiêm nhắc lại.

Trong khi đó, miễn dịch thụ động là đưa ngay một lượng kháng độc tố có sẵn trong huyết thanh kháng độc tố hoặc kháng thể có sẵn trong globulin vào cơ thể để bảo vệ cơ thể ngay lập tức trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Miễn dịch thụ động có tác dụng bảo vệ ngay nhưng thời gian bảo vệ ngắn, chỉ kéo dài tối đa 6 tháng, do đó cần thiết phải tiêm thêm vắc xin để tác dụng bảo vệ được kéo dài hơn.

Vắc xin là gì ?

Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc các cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh đã được bào chế để bảo đảm độ an toàn cần thiết, kích thích cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Vắc xin giúp nâng cao khả năng đề kháng bệnh tật của cơ thể.

Chủng ngừa là quá trình đưa vào cơ thể một hoặc nhiều loại kháng nguyên dưới dạng vắc xin. Khi đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận diện vắc xin là vật lạ, từ đó, tạo ra kháng thể đặc hiệu và những tế bào trí nhớ giúp cơ thể chống lại, ghi nhớ loại vi sinh vật đó. Về sau, khi tác nhân gây bệnh đó xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ huy động hoặc nhanh chóng tạo ra kháng thể đặc hiệu tấn công tác nhân gây bệnh đó ngay lập tức và hiệu quả để bảo vệ cơ thể không mắc bệnh. Đây chính là miễn dịch chủ động.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Huyết thanh kháng độc tố là gì ?

Huyết thanh kháng độc tố (còn gọi là kháng huyết thanh hoặc kháng độc tố) không phải là một loại vắc xin mà là một loại sinh phẩm y tế, trong thành phần có chứa kháng thể đặc hiệu chống lại các độc tố do vi khuẩn tiết ra. Huyết thanh này có nguồn gốc từ huyết thanh ngựa nên là chất lạ đối với cơ thể, vì vậy, có thể gây ra các phản ứng không mong muốn. Do đó, trước khi sử dụng cần phải làm “test” (thử nghiệm) trong da, xem bệnh nhân có bị phản ứng với huyết thanh kháng độc tố hay không. Trường hợp bệnh nhân không bị phản ứng thì có thể tiêm trọn liều, nhưng nếu bệnh nhân bị phản ứng, tùy theo tình trạng bệnh và mức độ phản ứng với kháng huyết thanh, thầy thuốc sẽ quyết định nên dùng kháng huyết thanh hay không và phương thức sử dụng như thế nào để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.

Hiện nay, tại Việt Nam có các loại huyết thanh kháng độc tố như: huyết thanh kháng độc tố uốn ván, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, huyết thanh kháng dại và huyết thanh kháng nọc rắn (để điều trị rắn cắn).

Trường hợp một người chưa từng tiêm ngừa uốn ván nhưng bị té xe với những vết thương xây xát ngoài da rất bẩn có khả năng bị uốn ván, người này cần được tiêm ngay huyết thanh kháng độc tố uốn ván để được bảo vệ tức thì nhờ miễn dịch thụ động. Song song đó, người này cũng cần được tiêm vắc xin ngừa uốn ván (theo lịch) để kháng thể được sinh ra sau 4 tuần và tạo nên miễn dịch chủ động kéo dài thời gian bảo vệ cho cơ thể khỏi mắc bệnh uốn ván.

Riêng đối với bệnh bạch hầu, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt. Tỷ lệ biến chứng và tử vong gia tăng nếu chẩn đoán, điều trị muộn. Do đó, nếu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu nhưng chưa được chủng ngừa hay đã chủng ngừa nhưng chưa đủ số mũi tiêm hoặc không tiêm nhắc lại theo lịch thì cần được tiêm huyết thanh kháng độc tố càng sớm càng tốt để điều trị. Miễn dịch của bệnh nhân sau khi khỏi bệnh bạch hầu là rất yếu, do đó cần được tiêm chủng để tạo miễn dịch chủ động nhằm ngăn ngừa tái nhiễm.

Tóm lại, chủng ngừa vắc xin là miễn dịch chủ động, thời gian bảo vệ lâu dài nhưng hiệu quả bảo vệ chỉ xuất hiện sau khi tiêm vắc xin 4 tuần. Trong khi đó, tiêm huyết thanh kháng độc tố là miễn dịch thụ động, có hiệu quả bảo vệ tức thì nhưng thời gian bảo vệ ngắn và chỉ được sử dụng sau khi mắc bệnh. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, do đó, chủng ngừa vắc xin đầy đủ và đúng lịch là ưu tiên hàng đầu giúp chúng ta phòng bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.

PGS.TS.BS. Bùi Quốc Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.