Multimedia Đọc Báo in

Cẩn thận với tiền sản giật khi mang thai

14:00, 29/08/2020
Tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén) là hội chứng nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng cho cả sản phụ và thai nhi, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. Do đó, trong suốt quá trình mang thai và sinh con, sản phụ cần hết sức lưu ý đến tai biến sản khoa này.
 
Chị Nguyễn Thị Trà (trú huyện Cư M’gar) cho biết, khi mang thai chị bị ốm nghén nặng. Tới tuần thứ 22, chị bị cao huyết áp, bác sĩ cho biết chị cần theo dõi kỹ suốt quá trình mang thai và sinh con để đề phòng bị tiền sản giật. “Nghe bác sĩ nói vậy tôi hết sức lo lắng vì tôi được biết tiền sản giật rất nguy hiểm. Vì thế, tôi luôn khám thai định kỳ, chú ý chế độ ăn uống, vận động và cố gắng giữ cho mình một tinh thần tốt nhất”, chị Trà chia sẻ.
 
Còn chị Hoàng Ngọc Quyên (trú huyện Cư Kuin) do mang thai khi đã lớn tuổi, nhà lại ở xa trạm y tế nên chị không thể thăm khám thai định kỳ. Khi thai mới được 34 tuần thì chị có dấu hiệu sinh non. Các bác sĩ cho biết chị bị tiền sản giật, nguy hiểm cho cả mẹ và con nên cần phẫu thuật gấp lấy thai. Chị Quyên bộc bạch: “May mắn cho tôi là quá trình sinh con được các bác sĩ nỗ lực cứu giúp nên mẹ tròn con vuông".
 
Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ  trước khi mang thai.  Ảnh: Đình Thi
Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trước khi mang thai. Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ CKII Trần Ngọc Thắng, Phó Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tiền sản giật là tình trạng bệnh lý do thai nghén hoặc ảnh hưởng của thai nghén gây nên với sự xuất hiện của tăng huyết áp, protein niệu, có hoặc không kèm theo phù. Tiền sản giật vô cùng nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị.

Tiền sản giật có thể xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ cho đến 6 tuần đầu sau sinh; trong đó, xảy ra trước sinh 25%, trong sinh 50% và sau sinh 25%. Nếu tiền sản giật không được phát hiện và điều trị sớm, đối với thai nhi có thể gây suy dinh dưỡng dẫn tới suy thai, sinh non, tử vong ngay sau sinh hoặc thai chết lưu.

Còn với thai phụ có thể dẫn đến co giật, hôn mê, phù phổi cấp, suy thận, suy tim cấp, hoặc xuất huyết não gây tử vong. Biểu hiện thường gặp của tiền sản giật gồm: Cao huyết áp (từ 140/90mmHg), có đạm trong nước tiểu (đạm niệu), phù; nếu nặng còn bị hoa mắt, chóng mặt, ngộp thở… có thể đưa đến cơn giật rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai nhi.

Cũng theo bác sĩ Thắng cho biết, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu mở rộng nhưng đến nay nguyên nhân sinh bệnh của tiền sản giật vẫn còn là vấn đề tranh cãi và chưa có nguyên nhân nào được chấp nhận hoàn toàn. Khi có một số dấu hiệu nghi ngờ tiền sản giật, hoặc bản thân thai phụ là đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh thì nên đi khám và làm xét nghiệm tiền sản giật.
 
Phát hiện sớm dấu hiệu tiền sản giật có ý nghĩa rất lớn, giúp bác sĩ lên kế hoạch can thiệp kịp thời và tránh các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Đồng thời bà bầu nên chú ý tránh các yếu tố có nguy cơ dẫn đến tiền sản giật như: Không có con quá sớm hoặc quá muộn: nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; không ăn quá mặn; không làm việc nặng nhọc, quá sức trong thời kỳ mang thai…
 
Phương Nhiên
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.