Multimedia Đọc Báo in

Mùa dịch Covid-19 - Lưu ý sức khỏe người cao tuổi mắc bệnh lý nền

09:30, 23/08/2020

Bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do vi rút Sars-CoV-2 gây ra.

Người mắc bệnh Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng từ nhiễm không có triệu chứng đến những triệu chứng bệnh lý nặng, tấn công gần như tất cả các đối tượng, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế có thể khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19.

Dịch Covid-19 đang tái bùng phát tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận nhiều bệnh nhân diễn biến rất nặng, nguy kịch, hầu hết đều là người cao tuổi và mắc nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng. Trong số các ca tử vong do Covid-19, phần lớn là người cao tuổi, người có bệnh lý nền nặng.

Người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền cần luyện tập thể dục hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh: Đình Thi
Người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền cần luyện tập thể dục hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh: Đình Thi

Các chuyên gia y tế lý giải, ở người cao tuổi, do quá trình lão hóa, chức năng của các bộ phận cơ thể suy giảm. Hệ miễn dịch dễ dàng bị tác nhân gây bệnh tấn công, vi khuẩn dễ xâm nhập gây bệnh ở đường hô hấp. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, có thể đã có biến chứng của bệnh này. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương thì trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có khoảng 2 bệnh lý nền, người trên 80 tuổi thì có 6 bệnh lý nền. Do đó, khi mắc bệnh Covid-19, người cao tuổi dễ gặp nhiều biến chứng nặng hơn những người trẻ tuổi hoặc người không có bệnh lý nền. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người trên 60 tuổi, có bệnh lý nền, như: tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mạn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính… hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…

Để phòng chống nguy cơ lây nhiễm các bệnh hô hấp và Covid-19, các chuyên gia y tế khuyến cáo: người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần tránh tiếp xúc với những người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở; hạn chế ra ngoài và đến nơi đông người; đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách 2 m với người đối diện; rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn và giữ vệ sinh cá nhân. Cùng với đó, cần duy trì chế độ luyện tập hợp lý, đều đặn tại nhà (khoảng 30 phút mỗi ngày); có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ năng lượng theo nhu cầu của người bệnh, hợp lý với bệnh lý và lứa tuổi; đối với những người xuất hiện dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp. Đặc biệt, cần uống đủ nước (1,5 - 2 lít mỗi ngày tùy theo thể trạng của người bệnh) để tránh tình trạng mất nước.

Ngoài ra, người có bệnh lý nền cần phải được đảm bảo đủ thuốc, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc, tăng liều, giảm liều. Theo dõi tình hình sức khỏe bản thân hằng ngày như đo nhiệt độ, huyết áp, đường máu (nếu có). Đối với bất cứ sự thay đổi nào dù nhỏ hay thoáng qua về mặt sức khỏe phải báo ngay cho người thân và đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Mỹ Hạnh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.